Các hình thức và trình tự xử lý kỷ luật lao động mới nhất 2020

Luật Sư: Lê Minh Công

10:51 - 24/09/2020

Quan hệ lao động được xác lập trên tinh thần tự do, bình đẳng, không ép buộc. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động đòi hỏi bên người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động để quản lý người lao động theo khuôn khổ nhằm tối ưu sức lao động của người lao động cũng như duy trì kỷ luật tại nơi làm việc. Mọi hành vi vi phạm nội quy lao động sẽ dẫn tới hậu quả là người lao động bị xử lý kỷ luật. Vậy kỷ luật lao động là gì? Các hình thức kỷ luật và trình tự xử lý ra sao?

Xem thêm: Kỷ luật sa thải là gì? Quy trình xử lý kỷ luật sa thải?

Bài viết này Công ty luật DFC chúng tôi sẽ đưa ra cho các bạn một góc nhìn rõ nét về các vấn đề này, hy vọng đây là một nguồn tham khảo hữu ích dành cho bạn đọc. 

Kỷ luật lao động là gì? Các hình thức kỷ luật và trình tự xử lý ra sao?

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật lao động 2012;

Nội dung tư vấn

1. Kỷ luật lao động là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 118, Bộ luật lao động 2012, Kỷ luật lao động là những chế tài bên người sử dụng lao động có thể áp dụng nếu người lao động vi phạm về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong nội quy lao động.

Đây là những nội dung được quy định mang tính chất bắt buộc, là cơ sở để đảm bảo việc thực hiện công việc được thực hiện một cách hiệu quả, đảm bảo trật tự tại nơi làm việc. Do vậy nếu người lao động vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm nội quy mà người sử dụng lao động đã xác định thì tùy thuộc theo mức độ và tính chất của hành vi vi phạm mà người lao động này sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động khác nhau.

2. Các hình thức xử lý luật lao động

Theo quy định Điều 125, Bộ luật lao động 2012 có ba hình thức xử lý kỷ luật lao động:

Thứ nhất là khiển trách, đây là hình thức kỷ luật nhẹ nhất thường được quy định cụ thể trong nội quy lao động.

Thứ hai là kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức. Đây là hai hình thức kỷ luật riêng biệt, tuy nhiên hình thức kỷ luật cách chức thường chỉ áp dụng với người có chức vụ nhất định cho nên thường không phổ biến như hình thức còn lại.

Thứ ba là sa thải, đây là hình thức kỷ luật nặng nhất đồng nghĩa với hậu quả sẽ chấm dứt quan hệ lao động trên thực tế do đó người sử dụng lao động không thể áp dụng hình thức kỷ luật này một cách tùy tiện bắt buộc phải có căn cứ  theo quy định của bộ luật lao động 2012, cụ thể:

  • Người lao động trộm cắp, đánh bạc, đánh nhau gây thương tích, sử dụng ma túy hoặc có hành vi xâm hại bí mật kinh doanh, tài sản trí tuệ của doanh nghiệp trong phạm vi làm việc.
  • Người lao động đang trong thời hạn kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
  • Người lao động tự ý bỏ việc cộng dồn 5 ngày công và 20 ngày trên tháng mà không có một trong các lý do chính đáng sau:
  • Do thiên tai, hỏa hoạn;
  • Do bản thân, hoặc người thân như bố, mẹ, vợ, con bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
  • Các trường hợp khác đã quy định trong nội quy lao động.

3. Trình tự xử lý kỷ luật lao động

Trình tự xử lý kỷ luật lao động được quy định cụ thể tại khoản 12, Điều 1, Nghị định 128/2018/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Xác nhận hành vi vi phạm

Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động người sử dụng lao động phải tiến hành lập biên bản vi phạm sau đó thông báo đến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật trong nếu người lao động là người dưới 18 tuổi 

Bước 2: Thông báo cuộc họp xử lý kỷ luật

Người sử dụng lao động thông báo nội dung, thời gian, địa điểm cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến các bên như bước 1. Người sử dụng lao động phải đảm bảo các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp và tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động khi có sự tham gia của các thành phần thông báo.

Bước 3: Phản hồi xác nhận tham gia cuộc họp

Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo các bên phải phản hồi có tham gia cuộc họp hay không. Nếu không tham dự phải nêu rõ lý do, trường hợp xác nhận tham dự cuộc họp mà nêu lý do thiếu hợp lý hoặc đã xác nhận tham dự nhưng không đến họp thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành xử lý kỷ luật lao động.

Bước 4: Tiến hành cuộc họp

Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành viên tham dự cuộc họp. Trường hợp một trong các thành viên đã tham dự cuộc họp mà không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do.

Bước 5: Ra quyết định xử lý kỷ luật

Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động. Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn của xử lý kỷ luật. Quyết định phải được gửi đến người lao động hoặc cha, mẹ, người đại diện của người lao động dưới 18 tuổi và tổ chức đại diện lao động tại cơ sở.

Trên đây là toàn bộ nội dung xoay quanh vấn đề kỷ luật lao động. Nếu còn thắc mắc các vấn đề quyền lợi của mình khi bị tiến hành kỷ luật lao động đã được đảm bảo hay chưa thì vui lòng liên hệ trực tiếp với đội ngũ Luật sư tư vấn lao động của DFC chúng tôi qua Hotline Tư vấn pháp luật miễn phí 19006512.

Xem thêm: Người lao động được bồi thường như thế nào khi sa thải trái pháp luật?

Xin cảm ơn!
LS. Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.