Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt nghĩa vụ nào đó. Do đó, khi giao kết và kết thúc hợp đồng đều phải có sự bàn bạc, thảo luận giữa các bên, tránh việc gây ra các thiệt hại không đáng có. Vậy khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật có phải chịu hình phạt hay bồi thường gì không? Công ty Luật DFC xin gửi tới bạn nội dung trên trong bài viết dưới đây.
Chấm dứt hợp đồng trái pháp luật - Xử lý thế nào?
1. Căn cứ pháp lý
2. Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì xử lý như thế nào?
Xin chào luật sư, cách đây 6 tháng tôi có ký hợp đồng thuê nhà với một người, thời hạn thuê là một năm. Bây giờ họ bỏ đi ở chỗ khác, không hề báo tôi dù hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Khi tôi hỏi thì họ nói là họ không thích ở chỗ tôi nữa vì giá cao hơn chỗ khác 1 triệu, tôi cũng yêu cầu họ phải tiếp tục thực hiện hợp đồng, nếu không sẽ phải bồi thường. Vậy cho tôi hỏi, trường hợp này tôi có thể đòi được quyền lợi hợp pháp của mình không?
Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật DFC, trường hợp về câu hỏi "chấm dứt hợp đồng trái pháp luật" bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Khi sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng thì phải có sự bàn bạc, thảo luận, đồng giữa các bên tham gia giao kết hợp đồng, tránh việc thay đổi, hủy bỏ đó gây ra thiệt hại sẽ phải bồi thường thiệt hại trong hợp đồng đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Khi chấm dứt hợp đồng, cần phải căn cứ vào quy định về chấm dứt hợp đồng mà hai bên đã quy định trong hợp đồng đã giao kết. Nếu trường hợp chấm dứt hợp đồng đó đã được hai bên lường trước, thống nhất khi xảy ra sẽ được chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường thì hợp đồng sẽ được hủy bỏ.
Trong trường hợp hợp đồng giao kết không có các điều khoản quy định về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng thì việc chấm dứt hợp đồng như vậy phải căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể là các điều như 422,423,424,425,426,428. Theo đó, các bên có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng nếu trong hợp đồng giao kết không quy định các trường hợp này nếu một bên chậm thực hiện nghĩa vụ, một bên không có khả năng thực hiện hợp đồng hay tài sản bị mất, hư hỏng và các trường hợp khác theo quy định của Bộ luật này.
Nếu hủy bỏ hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng không thuộc các trường hợp quy định trong hợp đồng giao kết hoặc quy định pháp luật thì bên chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ phải bồi thường thiệt hại mình gây ra (nếu có) hoặc theo yêu cầu hợp pháp của bên còn lại.
Vậy trong trường hợp của bạn, xét thấy hành vi chấm dứt hợp đồng của họ không thuộc các trường hợp trong hợp đồng mà hai bạn đã giao kết và không nằm trong quy định của luật dân sự về chấm dứt hợp đồng, người đó sẽ phải bồi thường thiệt hại mà họ gây ra hoặc chịu phạt số tiền thuê nhà từ tháng chấm dứt hợp đồng đến khi hợp đồng hết hạn.
Nếu họ không đồng ý việc bồi thường hợp đồng, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nơi có bất động sản, thời hiệu khởi kiện theo quy định của Điều 429 Bộ luật dân sự 2015
Trên đây là toàn bộ nội dung mà Công ty Luật DFC tư vấn về nội dung khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật cần xử lý như thế nào? Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ tới chúng tôi qua hotline 1900.6512 để được luật sư tư vấn trực tiếp, miễn phí.
LS. Lê Minh Công