Tôi và chồng tôi đã ly hôn được 1 năm, khi ly hôn có thỏa thuận mức cấp dưỡng cho con chung là 2.000.000 VNĐ/ tháng. Từ khi ly hôn đến nay chồng cũ tôi chưa gửi tiền cấp dưỡng cho con đồng nào. Đến nay con tôi chuẩn bị đi học tiểu học, cần nhiều chi phí sinh hoạt hơn, một mình tôi không thể chu toàn được. Tôi có thể khởi kiện để yêu cầu cấp dưỡng và tăng mức cấp dưỡng lên 5.000.000 VNĐ/tháng được không? Tôi có thể ủy quyền khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con không? Xin luật sư giải đáp giúp.
Xem thêm: Tư vấn về yêu cầu thi hành án về cấp dưỡng nuôi con
Có thể ủy quyền khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con không?
Trả lời: Trước tiên Luật sư DFC xin cảm ơn bạn đã tin tưởng và chia sẻ câu chuyện, với nội dung câu hỏi của bạn, luật sư DFC xin giải đáp như sau:
Cấp dưỡng là việc một cá nhân có nghĩa vụ đóng góp công sức nuôi dưỡng bằng tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng” trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.
Nghĩa vụ cấp dưỡng là một nghĩa vụ thuộc về nhân thân, không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Không phải đối tượng nào cũng có nghĩa vụ thực hiện việc cấp dưỡng mà chỉ các trường hợp được pháp luật quy định.
Hiện nay, các trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà pháp luật, trong đó có: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con” (Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014)
Mức cấp dưỡng do cha, mẹ và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của con. Trường hợp không thỏa thuận được, phát sinh tranh chấp thì cha,mẹ hoặc người được cấp dưỡng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Với trường hợp của bạn muốn yêu cầu tăng mức cấp dưỡng thì phải căn cứ vào mức thu nhập của chồng cũ, cùng với nhu cầu thiết yếu của con. Nếu xét thấy mức tiền 5.000.000 VNĐ/ tháng là phù hợp thì bạn hoàn toàn có thể yêu cầu với điều kiện khi ra tòa bạn chứng minh được mức cấp dưỡng trên là cần thiết và phù hợp.
Căn cứ theo quy định của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 và Luật tố tụng dân sự 2015, nhưng chủ thể sau đây có quyền khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con như sau:
“Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.”
Theo như quy định trên, là mẹ của con bạn hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu bố của bé thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và đề xuất mức cấp dưỡng.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 85 – Bộ luật Tố Tụng dân sự quy định về ủy quyền:
“Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện”
Hiện nay có quan điểm cho rằng việc liên quan đến hôn nhân gia đình liên quan đến nhân thân nên không được ủy quyền. Nhưng với quan điểm của Luật sư DFC thì cho rằng đối với vụ án liên quan đến hôn nhân gia đình thì đương sự chỉ không được quyền ủy quyền cho người khác ly hôn nhưng đối với các tranh chấp khác như tài sản, nghĩa vụ tài sản, con chung thì đương sự vẫn có quyền ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, người ủng hộ quan điểm này giải thích rằng:
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về giải thích từ ngữ thì hôn nhân được giải thích là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Còn gia đình được giải thích là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này. Do đó, theo cách giải thích trên thì HNGĐ bao gồm nhiều vấn đề như kết hôn, ly hôn, quan hệ cha mẹ con... Vì vậy đối chiếu với quy định tại Điều 85 BLTTDS năm 2015 thì chỉ không cho phép được ủy quyền đối với ly hôn còn các vấn đề khác của hôn nhân thì vẫn cho phép đương sự được ủy quyền.
Đối với vấn đề tranh chấp ly hôn thì bắt buộc đương sự không được ủy quyền vì để Tòa án căn cứ giải quyết cho đương sự được ly hôn thì bắt buộc đương sự phải tự trình bày về mối quan hệ hôn nhân của đương sự. Chính đương sự là người hiểu rõ mối quan hệ phát sinh với bên còn lại trong quá trình chung sống của vợ chồng. Do đó, việc ủy quyền khi đương sự ly hôn sẽ không có tác dụng và không giải quyết thấu đáo của Tòa án về mối quan hệ hôn nhân của các bên đương sự. Tuy nhiên đối với vấn đề về con chung, tài sản, nghĩa vụ về tài sản trong hôn nhân gia đình thì đương sự có thể ủy quyền bởi việc ủy quyền trên không ảnh hưởng đến việc giải quyết của Tòa án về vấn đề đó.
Do đó, với nội dung câu hỏi: Tôi có thể ủy quyền khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con không? Thì Luật sư DFC trả lời rằng có thể ủy quyền khởi kiện, việc ủy quyền này phải tuân thủ cả về hình thức và nội dung theo quy định pháp luật. Với nội dung tư vấn như trên, bạn đọc còn chưa hiểu rõ hoặc còn câu hỏi nào khác có thể liên hệ Tổng đài tư vấn miễn phí 19006512.
LS. Lê Minh Công
Những câu hỏi liên quan:
7. Có thể yêu cầu chồng cũ cấp dưỡng nuôi con khi lúc ly hôn không yêu cầu cấp dưỡng?