Quy định và thủ tục đăng ký biến động đất đai mới nhất 2021

Luật Sư: Lê Minh Công

10:43 - 28/10/2020

Đăng ký biến động đất đai là một trong những thủ tục của người sử dụng đất cần phải tuân thủ khi có sự biến động về quyền sử dụng đất. Việc đăng ký biến động đất đai là quyền và đồng thời là nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Quy định và thủ tục đăng ký biến động đất đai
Quy định và thủ tục đăng ký biến động đất đai

Vậy đăng ký biến động đất đai là gì? Khi nào phải đăng ký? Các trường hợp phải đăng ký biến động đất đai bao gồm những trường hợp nào? Trình tự, thủ tục đăng ký biến động đất đai diễn ra gồm các bước nào? Sau đây, Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6512 sẽ có bài viết gửi đến bạn để làm rõ vấn đề ngay sau đây.

Căn cứ pháp lý

    - Luật Đất đai năm 2013 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    - Nghị định số 43/2014/NĐ - CP hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai năm 2013 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    - Nghị định số 01/2017/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ - CP của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    - Thông tư 33/2017 hướng dẫn chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ – CP;

    - Thông tư số 24/2014/TT - BTNMT quy định về hồ sơ địa chính của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

    - Thông tư 23/2014/TT – BTNMT quy định  về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở gắn liền với đất và tài sản khác gắn liền với đất.

Nội dung tư vấn

1. Đăng ký biến động đất đai là gì? Khi nào phải đăng ký biến động đất đai?

Đăng ký biến động đất đai theo quy định của pháp luật đất đai được hiểu là nghĩa vụ của chủ thể có quyền sử dụng đất phải thực hiện theo một trình tự, thủ tục theo pháp luật quy định nhằm cập nhật nội dung liên quan đến sự thay đổi trong giá trị hoặc biến đổi các thông tin của thửa đất để có thể được cơ quan có thẩm quyền quản lý của nhà nước về đất đai. Từ việc đăng ký biến động đất đai tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phát sinh các quyền sử dụng, định đoạt của chủ thể sử dụng đất ấy.

Việc đăng ký biến động đất đai cần được thực hiện theo những quy định pháp luật về đất đai, cụ thể là khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của mình như quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thừa kế đất đai, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp Sổ đỏ … 

2. Các trường hợp phải đăng ký biến động đất đai?

Các quy định cụ thể về nghĩa vụ đăng ký đất đai của chủ thể sử dụng đất, cụ thể tại Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 và điểm i, Điều 17 của Thông tư số 23/2014/TT – BTNMT thì các trường hợp phải đăng ký biến động đất đai bao gồm: 

- Chủ thể có quyền sử dụng đất, chủ thể có tài sản gắn liền với đất khi thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật đất đai như quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; thực hiện quyền cho thuê hoặc cho thuê lại; quyền thừa kế hoặc tặng cho quyền sử dụng đất, các tài sản khác gắn liền với đất; thực hiện quyền thế chấp hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, các tài sản gắn liền với đất;

- Quyền đổi tên của chủ thể sử dụng đất, tài sản khác gắn liền với đất;

- Thửa đất có sự thay đổi về kích cỡ, địa chỉ, diện tích;

- Tài sản gắn liền với đất có sự thay đổi so với lần đăng ký trước đó;

- Thời hạn hưởng quyền sử dụng đất có sự thay đổi;

- Hình thức thu tiền cho thuê đất, giao đất có sự thay đổi theo quy định của pháp luật như từ tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất…;

- Quyền sử dụng đất của một bên là vợ hoặc chồng (tài sản riêng) được thỏa thuận thành tài sản chung, quyền sở hữu chung của vợ chồng; 

- Thực hiện thủ tục tách quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của đồng sở hữu là vợ chồng hoặc không phải vợ chồng;

- Thay đổi trong nội dung quyền sở hữu đất đai dựa trên các cơ sở như kết quả hòa giải theo thủ tục hòa giải đất đai của Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận, quyết định hoặc bản án có hiệu lực của Tòa án Nhân dân…;

- Quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề đã được xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt;

- Hạn chế quyền của người sử dụng đất có sự thay đổi.

3. Trình tự, thủ tục đăng ký biến động đất đai 

3.1. Hồ sơ, giấy tờ cần có để thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai

Theo căn cứ vào các văn bản hướng dẫn, thi hành hiện hành của pháp luật đất đai. Cụ thể tại Thông tư 24/2014/TT-BTNMT và Thông tư 33/2017/TT-BTNMT thì khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, chủ thể sử dụng đất cần hoàn thành 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

- 01 đơn đăng ký biến động đất đai, nhà ở gắn liền với đất và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu đơn số 09/ĐK kèm theo Thông tư 24/2014/TT – BTNMT;

- 01 bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

- Giấy tờ làm căn cứ biến động theo quy định tại Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013.

3.2. Trình tự các bước thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai

Khi thực hiện các bước thực hiện đăng ký biến động đất đai, người có nhu cầu thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai cần thực hiện theo các bước sau:

- Bước 01: Thực hiện nghĩa vụ kê khai tài chính và sau đó nộp 01 bộ hồ sơ có các giấy tờ như trên tại Văn phòng đăng ký đất đai (bộ phận một cửa) hoặc Phòng Tài nguyên - Môi trường cấp quận/huyện/thị xã nơi có mảnh đất đó;

- Bước 02: Cơ quan quản lý đất đai tiến hành tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ, nếu thầy đầy đủ cũng như phù hợp với các quy định của pháp luật thì cần thực hiện các công việc như trích đo địa chính thửa đất, gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế, xác định thay đổi những nội dung của thửa đất vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở gắn liền với đất hoặc tài sản khác gắn liền với đất, tiến hành cập nhật và chỉnh lý thông tin vào dữ liệu điện tử quản lý đất đai…;

- Bước 03: Sau khi hết thời hạn xác minh và giải quyết là 30 ngày (Khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013) thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành trao Giấy chứng nhận cho người có nhu cầu đăng ký biến động đất đai.

Trên đây là nội dung tư vấn của Tổng đài tư vấn luật Đất đai 1900.6512 về nội dung thủ tục đăng ký biến động đất đai. Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc câu hỏi liên quan thì Quý Khách vui lòng liên hệ qua Tổng đài để nhận được câu trả lời chính xác và đầy đủ nhất. Trân trọng!

LS. Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.