Thế nào là tài sản riêng trong thời kì hôn nhân

Luật Sư: Lê Minh Công

11:18 - 23/12/2019

Có thể thấy rằng, vấn đề tài sản trong hôn nhân là vấn đề rất nhạy cảm. Bởi lẽ, khi bước chân vào quan hệ hôn nhân, tư tưởng xã hội thông thường là mọi thứ đều là của chung, đều là để vun vén, xây đắp cho gia đình, cho con cái. Vậy về vấn đề tài sản riêng trong hôn nhân theo quy định của pháp luật như thế nào?

Xem thêm: Mẫu đơn xin chia tài sản sau ly hôn mới nhất

Cụ thể bài viết dưới đây xin đi phân tích khía cạnh nhỏ đó là giải quyết câu hỏi thế nào là tài sản riêng trong thời kì hôn nhân; mong qua đó phần nào giúp ích cho bạn đọc!

Tài sản riêng của vợ chồng là gì?

Thế nào là tài sản riêng trong hôn nhân, để trả lời cho câu hỏi này, ta dựa trên quy định pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình (Luật hôn nhân và gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành). Cụ thể, căn cứ vào Điều 43 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì tài sản riêng của vợ chồng bao gồm:

1.  Tài sản mà mỗi bên vợ chồng có được trước khi kết hôn

Trước tiên, tài sản riêng của vợ chồng trong hôn nhân trước hết là các tài sản riêng mà mỗi bên vợ chồng có được trước khi hai bên xác lập quan hệ hôn nhân. Tài sản riêng đó có thể là động sản phải đăng ký hoặc không phải đăng ký quyền sở hữu (như tiền, xe cộ…); hoặc thậm chí tài sản đó có thể là bất động sản (như nhà ở, quyền sử dụng đất).

2. Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân

Tài sản riêng trong hôn nhân của vợ chồng còn bao gồm cả tài sản mà mỗi bên vợ chồng được thừa kế riêng, hoặc được tặng cho riêng khi hai người đang là vợ chồng, đang trong thời kì hôn nhân. Như vậy, giả sử như mẹ vợ chỉ để lại thừa kế cho người vợ quyền sử dụng đất thì đó là tài sản riêng của người vợ; khác với trường hợp mẹ vợ để lại tài sản đó cho cả hai vợ chồng. 

3. Tài sản được chia riêng cho mỗi bên vợ chồng khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Tài sản riêng trong hôn nhân của vợ chồng còn bao gồm cả các tài sản được hai bên đã thỏa thuận chia từ tài sản chung. Cụ thể trong hôn nhân, hai bên vợ chồng vẫn có thể thảo thuận về việc chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, mà vẫn không chấm dứt quan hệ hôn nhân (thỏa thuận chia tài sản chung trong ly hôn phải được lập thành văn bản). Khi đó, tài sản đã chia theo thỏa thuận sẽ là tài sản riêng của vợ hoặc chồng. 

4. Các tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của các bên

Tài sản riêng trong hôn nhân của vợ chồng còn bao gồm cả các tài sản phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của mỗi bên vợ chồng. Nhu cầu thiết yếu ở đây được hiểu chính là những nhu cầu cơ bản nhất cho sinh hoạt của mỗi bên, như giày dép, quần áo, đồ trang điểm…

5. Tài sản khác theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng.

Tài sản riêng trong hôn nhân của vợ chồng còn có thể là các tài sản khác theo quy định của pháp luật là thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng. Cụ thể, căn cứ vào Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình thì tài sản riêng trong trường hợp này bao gồm:

  • Các quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo luật về sở hữu trí tuệ.
  • Các tài sản mà vợ hoặc chồng xác lập quyền sở hữu riêng dựa theo bản án hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
  • Các khoản trợ cấp, ưu đãi mà mỗi bên vợ hoặc chồng được nhận theo luật định về ưu đãi người có công với cách mạng..
  • Ngoài ra, bạn đọc cần lưu ý rằng, tài sản riêng của vợ chồng còn bao gồm các tài sản được hình thành từ tài sản riêng của mỗi bên (khoản 2 Điêu 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014).

Như vậy, bài viết trên đây cơ bản phân tích và chỉ ra cho bạn đọc thế nào là tài sản riêng trong thời kì hôn nhân. Nếu có bất kì khó khăn, vướng mắc nào liên quan đến tài sản riêng trong hôn nhân nói riêng hoặc phát sinh, liên quan đến lĩnh vực luật hôn nhân và gia đình hay các lĩnh vực pháp luật khác nói riêng, bạn đọc vui lòng liên hệ đến Tổng đài tư vấn luật hôn nhân gia đình số 19006512 của Công ty luật DFC để được đội ngũ luật sư, chuyên viên chuyên môn cao tận tâm, tận tình phục vụ và tư vấn. Xin trân trọng cảm ơn!

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.