Bị vợ "cắm sừng" - Tôi có thể làm đơn ly hôn vì vợ ngoại tình hay không?

Luật Sư: Lê Minh Công

09:40 - 13/01/2021

Vợ ngoại tình hay "cắm sừng" chồng ngày nay không còn là từ mới lạ, xã hội phát triển, nam nữ bình đẳng thì đây cũng là một hệ quả tất yếu. Vậy có thể ly hôn khi vợ ngoại tình, cắm sừng chồng hay không? Thủ tục như thế nào?

Xem thêm: Vợ/chồng ngoại tình có quyền được chia tài sản chung không?

Tôi có thể làm đơn ly hôn vì vợ ngoại tình hay không?Bị vợ "cắm sừng" - Tôi có thể làm đơn ly hôn vì vợ ngoại tình hay không?

Câu hỏi tư vấn: Thưa luật sư, Vợ chồng tôi sống với nhau đã hơn 8 năm, nay vợ tôi đi làm, không chăm lo cho con cái, còn có quan hệ qua lại với đồng nghiệp. Tôi có khuyên nhủ vợ tôi chấm dứt hành vi trên, để cho các con có gia đình trọn vẹn nhưng cô ấy đòi bỏ nhà đi theo người kia?

Tôi muốn ly hôn nhưng tôi muốn được chăm sóc 2 con tôi được không, Hiện tại 1 cháu 1 tuổi, một cháu 7 tuổi? Mong luật sư tư vấn giúp tôi.

Luật sư trả lời: Chào bạn, vấn đề của bạn được Luật sư Công ty Luật DFC giải đáp như sau:

Căn cứ pháp lý:

1. Điều kiện giải quyết ly hôn khi bị vợ "cắm sừng"

Đối với người đàn ông có vợ ngoại tình thì việc đầu tiên anh nghĩ đến là nhanh chóng ly dị ngay càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của những đứa con. Anh cần cân nhắc kỹ vấn đề này vì hai cháu bé còn khá nhỏ.

Thứ nhất, về vấn đề ly hôn, việc vợ anh ngoại tình đã vi phạm Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 do người vợ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ, làm cho hôn nhân của anh chị lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được.

Anh có quyền đơn phương ly hôn vì vợ ngoại tình hoặc thỏa thuận với vợ về việc ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên để tòa án chấp thuận, anh cần cung cấp đầy đủ chứng cứ, tài liệu về việc vợ mình đang ngoại tình. 

Mặt khác, nếu vợ anh đang chăm sóc con dưới 12 tháng tuổi thì anh không có quyền đơn phương ly hôn, Tòa án sẽ bác đơn khởi kiện của anh, do anh bị hạn chế quyền này theo khoản 3, Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Xem thêm: Vợ có được ly hôn khi chồng mất tích không?

2. Thủ tục giải quyết tranh chấp quyền nuôi con

Thứ hai, về quyền nuôi con khi ly hôn, tòa án cần căn cứ vào nhiều yếu tố khác, Luật sư đưa ra các trường hợp có thể xảy ra như sau:

Trường hợp 1: Trường hợp thỏa thuận được thì anh có thể đề nghị được nuôi dưỡng, chăm sóc hai con. Anh có thể trực tiếp trao đổi, thỏa thuận với vợ về mong muốn được chăm sóc nuôi dưỡng các con của mình, và đề nghị mức cấp dưỡng (nếu có).

Tuy nhiên đối với cháu từ 7 tuổi trở lên, anh cần hỏi ý kiến, xem xét đến nguyện vọng của cháu bé xem muốn ở với bố hay với mẹ, thuyết phục cháu bé.

Trường hợp 2: trường hợp anh chị ly hôn không thuận tình thì anh cần đưa ra lý do quan hệ tình cảm của hai vợ chồng bị rạn nứt để Tòa án chấp nhận căn cứ ly hôn của hai vợ chồng.

Về vấn đề nuôi con, đối với cháu dưới 36 tháng tuổi, theo quy định pháp luật sẽ giao cho người mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc, nếu anh vẫn muốn nuôi bé, anh phải chứng minh được vợ mình bỏ bê con cái, không chăm sóc, không nuôi dạy, không thực hiện nghĩa vụ của một người vợ, không quan tâm chăm sóc gia đình, ngoại tình với người đàn ông khác, căn cứ theo khoản 1 điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Đồng thời, chứng minh mình có khả năng nuôi dưỡng các cháu. Về điều kiện kinh tế, anh có việc làm, có thu nhập ổn định, đảm bảo cho việc sinh hoạt, học tập của con…có chỗ ở ổn định. Các yếu tố này sẽ được xét trên điều kiện về chỗ ở, tài sản, thu nhập, điều kiện tài chính của anh.

Như vậy, anh phải chứng minh được anh có điều kiện về tài chính hơn so với vợ anh, và mức thu nhập, nơi cư trú của anh phải đủ để đảm bảo điều kiện về nuôi dưỡng và học tập, vui chơi cho bé. Về điều kiện nhân thân, anh cần đảm bảo mình có lối sống lành mạnh, có nhân cách đạo đức tốt, có ý thức tốt trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước, sống gương mẫu,…đây là điều kiện để đảm bảo con anh có thể sống trong môi trường văn minh.

Về điều kiện tinh thần, anh cần có thời gian chăm sóc, quan tâm, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm yêu thương dành cho con từ trước đến nay, tạo điều kiện cho con vui chơi, giải trí…

Đồng thời anh cũng cần hỏi ý kiến của cháu bé 7 tuổi, theo quy định thì việc sinh sống với ai thì tòa án sẽ căn cứ vào nguyện vọng của cháu bé. Nếu anh có yêu cầu cấp dưỡng, anh có thể yêu cầu Tòa án xem xét quy định mức cấp dưỡng cho các cháu.

Ngoài ra nếu anh/chị có tranh chấp về tài sản hay nợ chung, thì nên yêu cầu tòa án giải quyết ngay trong Đơn xin ly hôn.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư về vấn đề ly hôn khi vợ ngoại tình được gửi tới Công ty luật DFC. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ qua Email: luatsudfc@gmail.com hoặc gọi điện tới Tổng đài Tư vấn Luật trực tuyến 19006512 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.

LS. Lê Minh Công

Bài viết liên quan:

Ly hôn mất bao nhiêu tiền? Mức án phí ly hôn mới nhất 2021!

Bảng Giá Dịch Vụ Ly Hôn Nhanh trọn gói

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.