Tài sản chung của vợ chồng khi chồng chết được chia như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi qua tình huống chia đất đai dưới đây của đội ngũ Luật sư DFC để biết thêm chi tiết.
Xem thêm: Vợ/chồng ngoại tình có quyền được chia tài sản chung không?
Tài sản chung của vợ chồng khi chồng chết được chia như thế nào?
Khách hàng: Thưa Luật sư, chồng của tôi vừa bị bệnh mất mà không để lại di chúc. Chúng tôi có 1 thửa đất 400m2 và một căn nhà cấp 4 được xây dựng trên đất đứng tên vợ chồng tôi. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, khi chồng chết thì tài sản chung được phân chia như thế nào ?
Công ty Luật DFC: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi về hòm thư điện tử gmail: luatsudfc@gmail.com của chúng tôi. Đội ngũ Luật sư DFC đã xem xét câu hỏi của chị và xác định câu hỏi của chị liên quan tới phân chia tài sản chung của vợ chồng khi chồng chết. Sau đây là nội dung tư vấn chi tiết:
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật Dân sự 2015;
Nội dung tư vấn
Dựa vào Điều 66 luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định rằng “khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng”. Chồng chị không may bị bệnh mất thì chị có quyền quản lý tài sản chung là thửa đất 400m2 và căn nhà trên đất này.
Như chị trình bày, giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng của chị có nghĩa đây là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của hai vợ chồng chị. Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng khi có yêu cầu phân chia thì được chia đôi (trừ trường hợp hai vợ chồng có thỏa thuận khác) theo quy định tại Khoản 2 Điều 66 luật Hôn nhân gia đình “Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế”. Theo quy định trên thì một nửa giá trị thửa đất thuộc về chị và nửa còn lại là của chồng chị. Ngoài ra, chị còn được hưởng một phần sau khi phân chia thừa kế đối với tài sản riêng của chồng.
Xem thêm: Phân chia tài sản cho con dưới 18 tuổi khi ly hôn như thế nào?
Trường hợp của chồng chị không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật căn cứ vào Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, những người thừa kế theo pháp luật được xác định căn cứ vào quy định sau đây:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo quy định thì những người cùng hàng thừa kế thì sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Và hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu như hàng thừa kế trước đó không còn ai còn sống tại thời điểm chia thừa kế. Ví dụ như bố mẹ chồng chị đã mất và hai vợ chồng chị có 2 con thì phần di sản của chồng chị sẽ được chia thừa kế theo pháp luật (trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp lệ).
Và chị sẽ được hưởng 1/3 trong phần di sản của chồng cộng thêm một nửa tài sản lúc ban đầu. Trường hợp các con chị chưa thành niên thì phần di sản thừa kế của các con sẽ do chị là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên thực hiện các thủ tục khai nhận thừa kế đất đai và quản lý phần di sản đó. Lúc này, di sản thừa kế của chị và con là đồng sở hữu. Nếu chị muốn bán một phần thửa đất thì chị phải có sự đồng ý của các con.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Đội ngũ Luật sư DFC về nội dung tài sản chung của vợ chồng khi chồng chết. Hi vọng bài viết sẽ hữu ích và giải đáp được các thắc mắc của chị. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn của chúng tôi theo SĐT 1900.6512 để được các Luật sư trực tiếp giải đáp.
Bài viết cùng chủ đề:
Tư vấn phân chia cổ phần trong công ty khi ly hôn
Tài sản chung có thể được chi trả cho khoản nợ riêng của vợ hoặc chồng không?
L.S Lê Minh Công