Khách hàng: Chào Luật sư, tôi tên Nguyễn Văn B đang sinh sống tại Quảng Nam. Tôi có một vấn đề nhờ Luật sư tư vấn giúp: Tôi và bạn gái dọn về sống chung nhưng chưa đăng ký kết hôn. Sau một thời gian chung sống, bạn gái tôi mang thai và sinh một bé trai nay được 01 tuổi. Bố mẹ tôi ngăn cản tôi kết hôn với bạn gái, gần đây giữa chúng tôi thường gây lộn và xảy ra mâu thuẫn nên bạn gái tôi dẫn con về nhà bố mẹ ở. Cho tôi hỏi liệu bây giờ tôi có quyền nuôi con hay không?
Phải làm gì để giành được quyền nuôi con khi chưa đăng ký kết hôn?
Xem thêm: Cha mẹ bị hạn chế quyền đối với con thì có phải cấp dưỡng nữa không?
Luật sư DFC: Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi về cho Luật sư DFC. Sau đây là nội dung tư vấn của Luật Sư cho câu hỏi của anh liên quan tới vấn đề giành quyền nuôi con khi chưa đăng ký kết hôn.
Căn cứ pháp lý
Nội dung tư vấn của Luật sư
Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định việc nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con (căn cứ Điều 15).
Theo thông tin anh cung cấp, anh và bạn gái sống chung không đăng ký kết hôn. Vì vậy, giữa anh và bạn gái không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng nhưng quyền và nghĩa vụ đối với con vẫn được xác lập như cha mẹ với con. Hai người có quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Anh và bạn gái có thể thỏa thuận người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con khi không còn chung sống với nhau. Nhưng trường hợp của anh thì khả năng cao anh không thể thỏa thuận giành quyền nuôi con được với bạn gái. Vì thế, cách để anh có thể giành quyền nuôi con là bằng con đường khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp quyền nuôi con khi chưa đăng ký kết hôn. Toà án sẽ có quyền phán xét, giao quyền nuôi con cho người cha hoặc người mẹ. Quyết định của Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt để cho bé có một môi trường phát triển tốt nhất về sau. Các quyền lợi đó có thể là: Điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng; Môi trường sống; Chỗ ở; Không gian vui chơi, học tập… và tình cảm đạo đức cả cha mẹ. Vì thế, anh phải chứng minh mình có điều kiện tốt hơn về tài sản, thu nhập, công việc thì sẽ có lợi thế hơn trong việc giành quyền nuôi con.
Về nguyên tắc của pháp luật về hôn nhân gia đình, con dưới 01 tuổi thì quyền nuôi dưỡng sẽ thuộc về người mẹ. Con dưới 36 tháng tuổi thì Tòa sẽ giao cho mẹ nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên, Tòa án sẽ căn cứ vào nguyện vọng của con là chọn sống với cha hay mẹ.
Bởi vì, con anh dưới 36 tháng tuổi nên ngoài việc anh chứng minh về điều kiện nuôi con tốt hơn bạn gái thì anh phải chứng minh bạn gái không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con như không có thu nhập, tài sản, chỗ ở… thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con không có, nhân cách đạo đức yếu kém, trình độ học vấn thấp, nghiệp ngập hoặc cờ bạc. Trường hợp anh không chứng minh được các vấn đề nêu trên thì con 01 tuổi Tòa án sẽ được giao cho mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và anh phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định.
Trên đây là nội dung giải đáp thắc mắc của anh về vấn đề quyền nuôi con khi chưa đăng ký kết hôn. Hi vọng bài viết hữu ích và trợ giúp cho trường hợp của anh. Để được tư vấn trực tiếp từ Luật sư, vui lòng liên hệ qua tổng đài tư vấn miễn phí 1900.6512 để được tư vấn chính xác nhất.
Những câu hỏi liên quan: