Điều kiện, cách tính trợ cấp thôi việc đối với viên chức

Luật Sư: Lê Minh Công

11:29 - 24/09/2020

Viên chức là một chủ thể đặc biệt trong quan hệ lao động, cũng như người lao động khác viên chức có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt này có thể là căn cứ để viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc cũng có thể không. Vậy điều kiện để viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc là gì? Cũng như cách tính trợ cấp thôi việc đối với viên chức như thế nào? Sẽ là những vấn đề Công ty luật DFC làm rõ cho các bạn dưới bài viết dưới đây. Hy vọng đây có thể là một nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc.

Xem thêm: BHXHVN - Chế độ nghỉ hưu đối với viên chức năm 2020

Trợ cấp thôi việc đối với viên chức

Căn cứ pháp lý

  • Luật viên chức 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành
  • Bộ luật lao động 2012

Nội dung tư vấn

1. Điều kiện được hưởng trợ cấp thôi việc đối với viên chức

Căn cứ quy định tại Điều 45, Luật viên chức 2010 thì viên chức khi nghỉ việc sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc, mất việc làm và chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội trừ các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do dưới đây:

Thứ nhất, Viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc hoặc bị đương nhiên thôi việc do bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xem thêm: Kỷ luật sa thải là gì? Quy trình xử lý kỷ luật sa thải?

Thứ hai, Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc nhưng vi phạm quy định sau:

  • Quy định về báo trước bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày đối với viên chức làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn.
  • Quy định về báo trước bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 3 ngày đối với viên chức làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn mà nghỉ việc vì lý do: không được bảo đảm về điều kiện làm việc theo hợp đồng giao kết ban đầu; không được nhận lương đầy đủ hay nhận đúng thời hạn; bị ngược đãi, cưỡng bức lao động; viên chức có thai nghỉ theo quyết định của cơ sở y tế hay viên chức bị tai nạn hoặc bị bệnh đã điều trị từ 3 tháng trở lên.
  • Quy định về báo trước bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 30 ngày đối với viên chức làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn mà nghỉ việc vì lý do hoàn cảnh gia đình hoặc bản thân không thể tiếp tục hợp đồng.

Thứ ba, Viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ mới là công chức hoặc đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định pháp luật.

Như vậy nếu viên chức nghỉ việc mà không rơi vào ba trường hợp trên thì họ sẽ đương nhiên được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật.

2. Hướng dẫn cách tính trợ cấp thôi việc đối với viên chức?

Theo quy định tại nghị định 29/2012/NĐ-CP cách tính trợ cấp thôi việc đối với viên chức sẽ theo hai trường hợp căn cứ vào các mốc thời gian sau:

Thứ nhất, trợ cấp thôi việc đối với viên chức làm việc từ 31/12/2008 trở về trước được tính như sau: Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

Thứ hai, trợ cấp thôi việc viên chức đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến nay sẽ áp dụng đối với viên chức có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng trở lên. Khi đó ứng với mỗi năm làm việc viên chức sẽ được trợ cấp nửa tháng lương. Tiền lương dùng để tính sẽ là lương bình quân trong 6 tháng gần nhất của viên chức được hưởng.

3. Thời gian hưởng trợ cấp thôi việc cho viên chức

Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 48, Bộ luật lao động 2012 thì thời gian được hưởng trợ cấp thất thất nghiệp là tổng thời gian viên chức đã làm việc thực tế trừ đi thời gian viên chức chính thức tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Trên đây là tất cả những vấn đề pháp lý xoay quanh câu chuyện trợ cấp thôi việc đối với viên chức. Nếu bạn đọc còn bất kỳ thắc mắc nào hay muốn tư vấn sâu hơn về vấn đề này cũng như mọi vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực lao động, vui lòng liên hệ qua hotline Tư vấn luật miễn phí 19006512 để được tư vấn tốt nhất.

Xem thêm: Lưu ý về thời gian thử việc đối với công nhân, viên chức

Xin cảm ơn!
LS. Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.