Câu hỏi: "Chào luật sư, Tôi hiện là sinh viên mới ra trường, trong thời gian đi tìm việc thì tôi được một công ty nhỏ ở Hà Nội nhận vào làm. Tôi được yêu cầu thử việc trong hai tháng. Sau khi thử việc được 1 tháng, tôi thấy công việc không còn phù hợp nên đã làm đơn gửi chị quản lý để xin nghỉ. Chị đồng ý cho tôi nghỉ nhưng không trả lương cho tôi với lý do là tôi vi phạm hợp đồng lao động, tự ý chấm dứt ngang hợp đồng nên sẽ không được nhận lương. Vậy luật sư cho tôi hỏi, thử việc có được trả lương không? Và nếu thử việc nghỉ ngang có được trả lương không? Cảm ơn luật sư."
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi tới Văn phòng Luật DFC. Trong tình huống của bạn, tôi và các cộng sự xin tư vấn như sau:
Xem thêm: Quy định về mức lương thử việc theo quy định mới năm 2020
Thử việc có được nhận lương không?
Đương nhiên, người sử dụng lao động có quyền cho người lao động thử việc để kiểm tra coi có phù hợp với yêu cầu công việc không. Người lao động và người sử dụng lao động cũng có quyền thỏa thuận về quyền, nghĩa vụ của các bên trong thời gian thử việc dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện trí. Tuy nhiên, những điều thỏa thuận giữa hai bên phải đúng quy định của Bộ luật lao động 2012.
Rất nhiều người lao động không có đủ kiến thức, trình độ để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân mình. Nhiều người lao động nghĩ rằng trong thời gian thử việc họ sẽ không được nhận lương cho tới khi đi làm chính thức. Tuy nhiên, tại Điều 28 Bộ luật lao động 2012 đã quy định rõ người lao động có quyền thỏa thuận tiền lương thử việc với người sử dụng lao động. Tiền lương thử việc phải bằng ít nhất 85% lương chính thức.
Ngoài ra người sử dụng lao động không được lợi dụng quyền được cho nhân viên thử việc mà cho họ thử việc trong thời gian dài với mức lương thấp. Thời gian thử việc cũng phải tuân thủ quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể là phải tuân theo Điều 27 của Bộ luật lao động 2012 quy định về số lần thử việc đối với một loại công việc và thời gian thử việc đối với từng loại công việc khác nhau.
=> Như vậy, để trả lời cho câu hỏi "thử việc có lương không?", thì bạn hoàn toàn có quyền nhận lương với mức lương ít nhất bằng 85% lương chính thức.
Vì bạn không nêu rõ hợp đồng lao động bạn đã giao kết có Điều, Khoản nào quy định rõ việc thử việc nghỉ báo trước bao nhiêu ngày và trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng thử việc mà không báo trước.
Nếu trong hợp đồng thử việc bạn đã giao kết có Điều khoản trên, thì việc bạn nghỉ ngang sẽ được xử lý theo hợp đồng bạn đã giao kết vì bạn vi phạm thời hạn báo trước chấm dứt hợp đồng thử việc. Họ sẽ có căn cứ để không trả lương thử việc cho bạn
Trường hợp thứ hai là trong hợp đồng thử việc bạn giao kết không có điều khoản đó, lúc này theo khoản 2 Điều 29 Bộ luật lao động 2012 thì hai bên giao kết hợp đồng thử việc có quyền chấm dứt hợp đồng thử việc mà không cần báo trước. Như vậy, bạn đã có căn cứ để yêu cầu công ty đó trả lương thử việc cho bạn.
Nếu người sử dụng lao động cố tình không trả lương trong thời gian thử việc của người lao động và quy định thử việc không được trả lương trong hợp đồng thử việc thì hợp đồng thử việc đó có thể bị vô hiệu một phần hoặc toàn bộ hợp đồng nếu nội dung không trả lương cho người lao động làm thay đổi nghiêm trọng nội dung của hợp đồng thử việc, như đã nói ở trên, lương thử việc của người lao động sẽ bằng 85% lương chính thức.
Người sử dụng lao động cũng có thể bị xử phạt từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng do vi phạm về quy định trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc (căn cứ Điểm C Khoản 2 Điều 6 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).
Trên đây là toàn bộ nội dung mà tôi và cộng sự DFC tư vấn về vấn đề thử việc có được trả lương không và nếu thử việc nghỉ ngang có được trả lương không cho bạn, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về hợp đồng thử việc, luật lao động hoặc vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ tới chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006512 để được tư vấn trực tiếp, miễn phí.
Xem thêm: Thử việc nghỉ báo trước bao nhiêu ngày? Có bị phạt khi không báo trước?
Xin cảm ơn!
LS. Lê Minh Công