Lưu ý về thời gian thử việc đối với công nhân, viên chức

Luật Sư: Lê Minh Công

09:40 - 16/09/2020

Gần đây Công ty Luật DFC chúng tôi có nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến băn khoăn của khách hàng về vấn đề thời gian thử việc của công nhân, viên chức. Nhận thấy các khách hàng xin tư vấn chủ yếu là người lao động và viên chức Nhà nước nên đội ngũ tư vấn Công ty Luật DFC chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc bài viết liên quan đến vấn đề này để bạn đọc tham khảo khi gặp phải những thắc mắc tương tự như khách hành của chúng tôi.

Lưu ý về thời gian thử việc đối với công nhân, viên chức

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn, liên quan
  • Luật viên chức 2010 và các văn bản hướng dẫn, liên quan

Nội dung tư vấn:

1. Thời gian thử việc của công nhân

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 27, Bộ luật lao động 2012 thì đối với công việc yêu cầu trình độ tương đương công nhân kỹ thuật thì thời gian thử việc của công nhân không được quá 30 ngày. Ngoài ra người sử dụng lao động chỉ có thể tiến hành giao kết hợp đồng thử việc một lần đối với một công việc. 

Tuy nhiên trong thực tế do đặc thù công việc cũng như sự xuất hiện của rất nhiều trường cao đẳng dạy nghề như hiện nay. Cùng với đó quy định pháp luật hiện hành không định nghĩa cụ thể công nhân phải làm những công việc gì, nên nếu người sử dụng lao động tuyển dụng công nhân nhưng có yêu cầu trình độ từ cao đẳng trở lên để đáp ứng công việc của mình. Khi đó thời gian thử việc đối với công nhân có thể kéo dài lên tối đa không quá 60 ngày căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 27, Bộ luật lao động 2012.

2. Thời gian thử việc đối với viên chức

Viên chức là một chủ thể đặc biệt trong xã hội Việt Nam, theo quy định tại Điều 2, Luật viên chức 2010 thì viên chức được định nghĩa là công dân Việt Nam  được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, viên chức cũng là người lao động tuy nhiên quan hệ lao động của viên chức sẽ được quy định riêng tại Luật viên chức 2010. Theo đó căn cứ vào quy định của Luật viên chức không có quy định về thời gian thử việc đối với viên chức thay vào đó là quy định về thời gian tập sự. Cụ thể khoản 1, Điều 20, Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có định nghĩa tập sự là giai đoạn người trúng tuyển chế độ viên chức làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc mà mình được tuyển dụng. Kết thúc giai đoạn tập sự, nếu có căn cứ người tập sự không hoàn thành nhiệm vụ và bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, thì người đứng đầu cơ quan quản lý viên chức có thể ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại Điều 24 Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Thời gian tập sự đối với viên chức theo quy định Luật viên chức 2010 là từ 3 đến 12 tháng trừ trường hợp đã có đủ thời gian từ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí tuyển dụng. 

Tuy nhiên hiện nay quy định mới về thời gian tập sự của viên chức được quy định tại Khoản 11, Điều 2, Nghị định 161/2018/NĐ -CP có hiệu lực từ ngày 15/09/2019 như sau:

  • 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học. Riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 09 tháng
  • 09 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng
  • 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp

Như vậy, thời gian thử việc của công nhân với thời gian tập sự của viên chức có rất nhiều điểm khác mà bạn đọc phải biết để đảm bảo quyền và lợi ích của mình trong các quan hệ lao động tương ứng mà mình tham gia.

Nếu bạn có câu hỏi gì khác hay bất cứ vấn đề gì cần giải đáp, tư vấn bạn hãy liên lạc ngay tới Văn phòng luật sư DFC qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006512 để được tư vấn trực tiếp, miễn phí.

Xin chân thành cảm ơn!
LS. Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.