Độ tuổi kết hôn ở việt nam là bao nhiêu? Kết hôn là một trong những quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi con người trong xã hội nhằm duy trì “nòi giống” cho xã hội, sự phát triển ổn định của nền kinh tế, chống già hóa dân số của mỗi quốc gia.
Tuy rằng việc kết hôn là một trong những quyền thiêng liêng được quy định các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta nhưng bên cạnh đó cũng phải đáp ứng các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Một trong những điều kiện đó chính là điều kiện về độ tuổi kết hôn ở Việt Nam. Vậy điều kiện về độ tuổi kết hôn năm 2020 được quy định như thế nào? Công ty tư vấn Luật DFC xin gửi đến các bạn bài phân tích vấn đề này như sau:
Cơ sở pháp lý
Nội dung tư vấn
Độ tuổi kết hôn là khi một người đủ tuổi theo quy định của pháp luật mà người đó có thể tiến hành việc lấy vợ/chồng. Nhìn chung, độ tuổi kết hôn của nam và nữ theo quy định của các nước là từ 18 – 21 tuổi và thông thường, độ tuổi kết hôn của nữ thường lớn hơn nam 1 – 2 tuổi.
Quy định độ tuổi kết hôn tại Việt Nam
Ở Việt Nam, theo quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì độ tuổi kết hôn của “nam là từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên”
Thứ nhất đảm bảo về vấn đề sinh lý và sức khỏe: trước tuổi 18 thì cơ thể của người phụ nữ chưa hoàn thiện và phát triển đầy đủ nên nếu mang thai thì rất khó sinh và rủi ro rất lớn; vấn đề tâm sinh lý của nam và nữ dưới 18 tuổi chưa hoàn chỉnh nên việc xử lý các vấn đề trong cuộc sống.
Thứ hai, về mặt xã hội: vấn đề hạ độ tuổi dưới 18 tuổi sẽ ảnh hưởng đến cách hiểu của nhân dân về khái niệm quyền trẻ em. Theo quy định hiện hành về Luật Trẻ em thì trẻ em là người dưới 18 tuổi.
Thứ ba, về mặt lập pháp: Việc hạ tuổi kết hôn xuống dưới 18 tuổi sẽ gây ra sự không thống nhất với các quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên. Người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hoặc pháp luật có quy định khác. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì người từ đủ 18 tuổi trở lên mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Như vậy, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn không những tạo ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật mà còn hạn chế một số quyền của người vợ khi xác lập giao dịch, hạn chế quyền yêu cầu ly hôn (phải có người đại diện).
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định về độ tuổi kết hôn nam và nữ như sau: “Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên” còn Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì quy định về độ tuổi kết hôn là “Nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên.”
Sự khác biệt duy nhất trong quy định về độ tuổi kết hôn được quy định trong hai Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và 2014 là cụm từ “từ đủ” và “từ”. Cụ thể theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT – TANDTC – VKSNDTC – BTP hướng dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014 là trường hợp nam đã đủ hai mươi tuổi, nữ đã đủ mười tám tuổi trở lên và được xác định theo ngày, tháng, năm sinh.
1. Nếu xác định được năm sinh nhưng không xác định được tháng sinh thì tháng sinh được xác định là tháng một của năm sinh
2. Nếu xác định được năm sinh, tháng sinh nhưng không xác định được ngày sinh thì ngày sinh được xác định là ngày mùng một của tháng sinh.
Chẳng hạn, Chị B sinh ngày 10-01-1997, đến ngày 08-01-2015 chị B đăng ký kết hôn với anh A tại Ủy ban nhân dân xã X. Tại thời điểm đăng ký kết hôn chị B chưa đủ 18 tuổi (ngày chị B đủ 18 tuổi là ngày 10-01-2015). Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì chị B đã đủ tuổi kết hôn. Tuy nhiên vì ngày chị B đăng ký kết hôn Luật hôn nhân và gia đình đã có hiệu lực (ngày 01-01-2015) nên chị B đã vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình.
3. Một số lưu ý trong trường hợp chưa đủ độ tuổi kết hôn mà đã kết hôn nhưng không đi đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật
Căn cứ vào Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP Hướng dẫn thi hành quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì trong trường hợp chưa đủ tuổi kết hôn thì xử lý hủy kết hôn trái pháp luật sẽ xảy ra những trường hợp sau:
3.1. Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn nam và nữ nhưng sau đó có đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì Tòa án xử lý như sau:
- Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện về tuổi kết hôn.
- Nếu một bên hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc có một bên yêu cầu công nhận hôn nhân hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
- Trường hợp hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận hôn nhân thì Tòa án cho ly hôn.
3.2. Trường hợp hai bên đã đăng ký kết hôn nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hai bên kết hôn vẫn không đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn
- Nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
- Nếu một trong hai bên yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án bác yêu cầu của họ và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Nếu bạn có bất cứ thắc mắc về luật hôn nhân và gia đình có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6512 của DFC để được tư vấn 1 cách cụ thể nhất về pháp luật gia đình
Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn. Trân trọng!
LS. Lê Minh Công