Ly hôn là điều mà tất cả các cặp vợ chồng đều không mong muốn xảy ra, nhưng khi hôn nhân không còn tiếng nói chung, vợ chồng không còn hạnh phúc. Vậy có một trường hợp cũng hay gặp ở đây là làm thế nào để ly hôn khi chưa nhập hộ khẩu gia đình chồng?
Xem thêm: Thủ tục ly hôn khi không cùng hộ khẩu như thế nào?
Có thể ly hôn khi chưa nhập hộ khẩu không?
Hỏi: Thưa Luật sư Công ty Luật DFC, xin luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi muốn ly hôn đơn phương với chồng, nhưng chưa nhập khẩu về nhà chồng. Hiện nay, chúng tôi có một con chung và cháu hiện đang nhập khẩu tại hộ khẩu gia đình chồng tôi. Tôi đang có hộ khẩu tại Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội còn chồng tôi ở Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cùng ba mẹ chồng. Vậy, tôi có thể ly hôn khi chưa nhập hộ khẩu được không ạ? Tôi muốn được nuôi con sau khi ly hôn thì cần những điều kiện gì để ly hôn được ạ? Mong Luật sư tư vấn và giải đáp cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn: Chào chị, cảm ơn chị đã tin tưởng và đặt câu hỏi về hòm thư tư vấn của Công ty Luật DFC. Với tình huống của chị đưa ra, chúng tôi xin giải đáp như sau:
Về tình huống cụ thể về làm thế nào để ly hôn khi chưa nhập hộ khẩu của chị, thì việc có nhập khẩu hay không về nhà chồng không ảnh hưởng đến việc ly hôn của hai bên. Do chị không nói rõ lý do khiến vợ chồng chị ly hôn, nên việc Tòa chấp nhận ly hôn hay không sẽ phụ thuộc vào lý do chị đưa ra và phù hợp với các điều kiện của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Căn cứ để Tòa án thụ lý đơn ly hôn theo yêu cầu của một bên dựa trên Điều 56 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hào giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, nếu chị muốn ly hôn đơn phương do chồng chị không ký đơn thuận tình ly hôn thì chị có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên nếu có đủ các căn cứ chứng minh quan hệ hôn nhân không thể kéo dài thêm được nữa. Vậy thì chị hoàn toàn không cần lo lắng khi ly hôn khi chưa nhập hộ khẩu.
Tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn sẽ căn cứ vào thỏa thuận của hai bên vợ chồng anh chị. Trong trường hợp vợ chồng anh chị không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ xem xét đến các yếu tố sau đây để xác định ai là người trực tiếp nuôi con:
Thứ nhất, điều kiện kinh tế vật chất: Về công ăn việc làm, thu nhập hợp pháp của chị phải đảm bảo ổn định và cao hơn so với chồng, có nơi cư trú và sinh sống tốt và đảm bảo đủ điều kiện cho con học hành, phát triển thể chất và trí tuệ, tạo được môi trường sống tốt hơn cho con hơn so với chồng. Để chứng minh những điều này chị cần cung cấp các giấy tờ như bảng lương, hợp đồng lao động, các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản,… cho Tòa án thụ lý đơn ly hôn của chị.
Thứ hai, điều kiện về đời sống tinh thần: Thời gian có thể chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái, tình yêu thương, sự quan tâm đến con tạo cho con có điều kiện vui chơi, học tập thoải mái nhất, trình độ học vấn, nhân cách, đạo đức của chị vượt trội hơn so với chồng,…
Ngoài ra, do chị không cung cấp thông tin con chị được bao nhiêu tuổi nên Luật sư không thể tư vấn cụ thể cho chị được. Tuy nhiên, nếu con chung của vợ chồng chị dưới 36 tháng tuổi, theo quy định của luật sẽ ưu tiên cho người mẹ được trực tiếp nuôi dưỡng, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì hỏi ý kiến và xem xét nguyện vọng của con (Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình).
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật DFC về nội dung ly hôn khi chưa nhập hộ khẩu. Nếu còn vướng mắc chưa được giải quyết chị vui lòng liên hệ tới DFC qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6512 để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!
LS. Lê Minh Công