Tư vấn về luật chia tài sản khi bố mẹ còn sống

Luật Sư: Lê Minh Công

14:42 - 17/06/2021

Về vấn đề luật chia tài sản khi bố mẹ còn sống, bạn đọc có gửi đến một câu hỏi có nội dung như sau: Chào Luật sư. Bố mẹ tôi nay cũng ngoài 70 tuổi và có 05 người con. Vì đã già yếu muốn phân chia tài sản cho các con. Tôi không được am hiểu pháp luật cho lắm. Mong Luật sư tư vấn giúp cho tôi và bố mẹ.

Xem thêm: Hướng dẫn viết mẫu di chúc thừa kế mới nhất hiện nay

 Tư vấn về luật chia tài sản khi bố mẹ còn sống
Tư vấn về luật chia tài sản khi bố mẹ còn sống

Công ty Luật DFC: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi về hòm thư điện tử gmail: luatsudfc@gmail.com của chúng tôi. Đội ngũ Luật sư DFC đã  nắm bắt được sự việc của chị và đưa ra thông tin giải đáp về câu hỏi của bạn sau đây:

Căn cứ pháp lý 

Nội dung tư vấn 

Việc chia tài sản cho con cái khi bố mẹ còn sống là sự thể hiện ý chí định đoạt của bố mẹ, mong muốn để lại tài sản thuộc sở hữu của mình cho con cái, việc chia tài sản chỉ có thể thực hiện thông qua việc tặng cho hoặc lập di chúc để lại thừa kế. Việc tặng cho tài sản cho con cái khi còng sống cần phải đảm bảo nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành về tặng cho tài sản và quy định về việc lập di chúc.

1. Tặng cho tài sản

Việc tặng cho tài sản giữa bố mẹ và con cái thông qua hợp đồng tặng cho. Hợp đồng có thể bằng miệng hoặc lập thành văn bản. Theo quy định tại Điều 457 Bộ luật dân sự 2015 “ Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

Theo pháp luật dân sự, khi bố mẹ còn sống việc tặng cho tài sản cho con không bắt buộc phải lập thành văn bản, trừ trường hợp tặng cho bất động sản. Tuy pháp luật không bắt buộc nhưng việc lập thành văn bản là cần thiết khi tặng cho tài sản không phải bất động sản, để lấy đó làm bằng chứng để giải quyết khi có phát sinh tranh chấp sau này. 

Để hợp đồng tặng cho tài sản phát sinh hiệu lực phải đảm bảo điều kiện về chủ thể và hình thức của hợp đồng:

 - Về chủ thể: có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

- Về hình thức: 

+ Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký (quy định tại Điều 458 Bộ luật Dân sự 2015).

+ Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản (quy định tại Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015).

Đối với trường hợp của bạn, nếu bố mẹ muốn phân chia tài sản, đồng thời chuyển quyền sở hữu cho các con khi còn sống thì tiến hành theo thủ tục tặng cho tài sản. Nhưng phải đảm bảo điều kiện về chủ thể đó là ba mẹ bạn còn minh mẫn, sáng suốt và nhận thức đầy đủ trong việc tặng cho tài sản cho các con và đảm bảo điều kiện về hình thức, đặc biệt đối với tặng cho bất động sản là quyền sử dụng đất thì phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc đối với bất động sản là nhà ở thì phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định.

Xem thêm: Trình tự thủ tục sang tên sổ đỏ cho tặng 

2. Phân chia tài sản bằng việc lập di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (quy định tại Điều 624 BLDS 2015). Bố mẹ bạn có thể phân chia tài sản bằng việc lập di chúc, vì một lý do nào đó có thể bố mẹ chưa muốn chuyển quyền sở hữu cho các con ngay khi còn sống. Việc phân chia tài sản bằng hợp đồng tặng cho hay di chúc đều là hình thức chuyển giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho người khác. Tuy nhiên, xét về bản chất thì hai hình thức này lại khác hoàn toàn và trình tự, thủ tục thực hiện cũng khác nhau.

Căn cứ Khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.” Khác với phân chia tài sản bằng hợp đồng tặng cho thì phân chia tài sản bằng việc lập di chúc phát sinh hiệu lực khi người để lại di chúc chết.

Điều kiện có hiệu lực của di chúc:

- Về chủ thể: Người để lại di sản phải là người thành niên, minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép. Với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Người được hưởng thừa kế theo di chúc là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Bên cạnh đó người được nhận di sản phải được sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người hưởng thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

- Về hình thức di chúc: Đối với di chúc phải được lập thành văn bản theo quy định bao gồm các trường hợp sau:

+ Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

+ Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

+ Di chúc bằng văn bản có công chứng;

+ Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Nếu người để lại di chúc không thể lập bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Sau đó người làm chứng phải lập thành văn bản ghi chép ý chí của người để lại di chúc bằng miệng, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Nếu bố mẹ bạn phân chia tài sản bằng di chúc thì nên lập thành văn bản và có công chứng, chứng để đảm bảo hiệu lực của di chúc. Sau khi bố mẹ bạn mất thì những người được hưởng di sản theo di chúc tiến hành thủ tục khai nhận thừa kế và chuyển quyền sở hữu theo quy định. 

Như vậy, tùy thuộc vào mục đích, khả năng và mong muốn của bố mẹ bạn trong việc lựa chọn chuyển giao tài sản của mình cho các con thông qua hợp đồng tặng cho hay di chúc. Nếu muốn để lại tài sản cho các con sau khi bản thân chết thì lựa chọn hình thức lập di chúc. Nếu muốn tặng cho và chuyển quyền sở hữu tài sản của mình ngay khi đang còn sống cho các con thì lựa chọn hình thức lập hợp đồng tặng cho.

Hi vọng bài viết hữu ích cho trường hợp của bạn và bố mẹ bạn về vấn đề luật chia tài sản khi bố mẹ còn sống. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn miễn phí của chúng tôi theo SĐT 1900.6512 để được các Luật sư trực tiếp giải đáp.

L.S Lê Minh Công

Bài viết liên quan:

Trình tự, thủ tục thừa kế đất đai không có di chúc

Pháp luật quy định những trường hợp không được sang tên Sổ đỏ?

Trình tự thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho con

 

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.