Trung gian thương mại là gì? 4 hình thức của trung gian thương mại

Luật Sư: Lê Minh Công

11:44 - 16/05/2021

Hoạt động trung gian thương mại mang lại hiệu quả lớn cho các thương nhân trong quá trình tổ chức mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Vậy trung gian thương mại là gì? Các hình thức của trung gian thương mại là gì?

 Trung gian thương mại là gì?
Trung gian thương mại là gì? 4 hình thức của trung gian thương mại

1. Thế nào là Trung gian thương mại?

Dưới góc độ pháp lý trung gian thương mại được hiểu là việc thương nhân nhận ủy quyền của người khác để tiến hành các hoạt động vì lợi ích kinh tế của bên ủy quyền để mua, bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ thương mại hay còn được khái niệm bằng tên khác như “trung gian tiêu thụ” hoặc “đại diện thương mại”. 

Ở Việt Nam, hoạt động trung gian thương mại được xác định là hoạt động của thương nhân để thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định và bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hoá và đại lý thương mại (Khoản 11 Điều 3 luật thương mại 2005).

2. Các hình thức của trung gian thương mại:

2.1/ Môi giới thương mại 

*Căn cứ pháp lý: mục 2 chương 5 Luật thương mại 2005

- Khái niệm: Môi giới thương mại là hoạt động thương mại; theo đó một thương nhân làm trung gian (bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới. 

- Đặc điểm: 2 chủ thể tham gia là: bên môi giới và bên được môi giới.

- Điều kiện: Theo quy định của Luật Thương mại 2005, bên môi giới bắt buộc phải là thương nhân và phải đăng ký kinh doanh ngành nghề môi giới thương mại.

- Phạm vi môi giới: Bao gồm tất cả các hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật cho phép

- Hình thức pháp lý: Thông qua hợp đồng môi giới.

- Quyền hưởng thù lao môi giới: Phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới đã ký hợp đồng với nhau.

Xem thêm: Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng môi giới thương mại

2.2/ Đại diện cho thương nhân

*Căn cứ pháp lý: mục 1 chương 5 Luật thương mại 2005

- Khái niệm: Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm (bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.

- Đặc điểm: Chủ thể: Bên giao đại diện và bên đại diện 

- Điều kiện: Cả hai bên đều phải là thương nhân.

Trong quan hệ đại diện, người làm đại diện phải giao dịch với bên thứ ba trên danh nghĩa của bên giao đại diện và phải hành động theo sự hướng dẫn của bên giao đại diện.

- Phạm vi đại diện: Các bên có thể thỏa thuận về phạm vi của việc đại diện; bên đại diện có thể thực hiện một phần hoặc toàn bộ các hoạt động thương mại  thuộc phạm vi hoạt động của bên giao đại diện.

- Hình thức pháp lý: Thông qua Hợp đồng đại diện cho thương nhân. Hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương.

- Quyền hưởng thù lao đại diện: Bên đại diện được hưởng thù lao đối với hợp đồng được giao kết trong phạm vi đại diện. Quyền được hưởng thù lao phát sinh từ thời điểm do các bên thoả thuận trong hợp đồng đại diện.

2.3/ Ủy thác mua bán hàng hóa

*Căn cứ pháp lý: mục 3 chương 5 Luật thương mại 2005

- Khái niệm: Ủy thác mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác và được nhận thù lao ủy thác.

- Đặc điểm: Chủ thể: Bên ủy thác và bên nhận ủy thác.

- Điều kiện: Bên ủy thác có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân; nhưng bên nhận ủy thác bắt buộc phải là thương nhân.

Bên nhận ủy thác sử dụng danh nghĩa của chính bên nhận ủy thác để mua hoặc bán hàng hóa thay cho bên ủy thác. Đồng thời, bên nhận ủy thác không được quyền ủy thác lại cho bên thứ ba thực hiện hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa nếu như không có sự chấp thuận bằng văn bản của bên ủy thác.

- Phạm vi: Bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hóa trong phạm vi ủy thác của bên ủy thác.

- Hình thức pháp lý: Hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa bắt buộc phải được lập bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị tương đương.

Xem thêm: Các vấn đề về Nhượng quyền thương mại tại Việt Nam

2.4/ Đại lý thương mại

*Căn cứ pháp lý: mục 3 chương 5 Luật thương mại 2005

- Khái niệm: Đại lý thương mại là hoạt động thương mại; theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.

- Đặc điểm: Chủ thể: Bên giao đại lý và bên đại lý.

- Điều kiện: Cả hai bên đều phải là thương nhân, trong quan hệ thương mại này, bên đại lý sẽ nhân danh chính mình để giao dịch với khách hàng.

- Phạm vi: Bên đại lý sẽ theo thỏa thuận, thực hiện bán hàng cho bên giao đại lý hoặc mua hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ giao đại lý cho khách hàng.

- Hình thức pháp lý: Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Xem thêm: Khái niệm về hoạt động đại lý thương mại

Trên đây là tư vấn của Luật sư DFC về trung gian thương mại, nếu bạn còn thắc mắc hay câu hỏi bạn hãy gọi đến tổng đài tư vấn pháp luật 19006512 để được tư vấn giải đáp miễn phí.

Trân trọng!!!

LS. Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.