Tội tham ô tài sản bị truy cứu hình sự khi nào?

Luật Sư: Lê Minh Công

10:08 - 25/12/2019

Tham nhũng là một vấn đề nhức nhối ở nước ta hiện nay, có thể được gọi bằng những câu châm ngôn như “đại án tham nhũng”“đốt củi vào lò”... Nhận thức được những hậu quả vô cùng nghiêm trọng của hành vi này đối với nền kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn đặt trọng tâm phòng – chống tham nhũng lên hàng đầu. Chính vì những lẽ trên, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã dành hẳn Mục I của Chương XXIII (từ Điều 353 tới Điều 359). Trong các tội về tham nhũng thì tội tham ô tài sản (Điều 353) là một trong những tội phạm phổ biến nhất. Vậy tội tham ô tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như thế nào? văn phòng luật sư DFC xin giải đáp những thắc mắc của bạn ngay sau đây:

 

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam;

  • Luật Phòng chống Tham nhũng năm 2018 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nội dung tư vấn

1. Tội tham ô tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào?

Tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Cấu thành tội phạm của tội tham ô tài sản

2.1. Mặt khách thể của tội phạm

Tội này xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, xâm phạm quyền sở hữu về tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

  • Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Cụ thể như sau:
  • Hành vi người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý của tội tham ô tài sản. Đây là hành vi sử dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội như một phương tiện để thực hiện việc chuyển dịch bất hợp pháp tài sản của cơ quan, tổ chức đang do người phạm tội quản lý thành tài sản của người phạm tội;
  • Chiếm đoạt tài sản có trị giá từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội tham nhũng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Một trong các tội tham nhũng là một trong các tội sau: Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hường đối với người khác để trục lợi (Điều 358); Tội giả mạo trong công tác (Điều 359).

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý.

2.4. Mặt chủ thể của tội phạm

Tội tham ô tài sản là một tội có dấu hiệu chủ thể đặc biệt. Người phạm tội ngoài dấu hiệu về đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và năng lực trách nhiệm hình sự thì họ còn là những người nắm giữ một chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý tài sản trong các cơ quan, tổ chức, kể cả người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.

Chủ thể của tội phạm có thể là người giữ những chức vụ, quyền hạn nhất định trong cơ quan, tổ chức (chẳng hạn họ có thể là thủ trưởng cơ quan, trưởng phòng kế toán…) nhưng họ cũng có thể là người được giao những công việc gắn với trách nhiệm quản lý khối lượng tài sản nhất định trong những khoảng thời gian nhất định (chẳng hạn như nhân viên bảo vệ được giao bảo vệ bãi than, bãi gỗ để ngoài bãi chưa nhập kho…).

Lưu ý: trong vụ án đồng phạm tham ô tài sản, người thực hành là người có trách nhiệm quản lý tài sản đã chiếm đoạt, còn đối với những người đồng phạm khác không nhất thiết phải có dấu hiệu của chủ thể đặc biệt nhưng để coi họ là đồng phạm của tội tham ô tài sản thì cần xác định được là họ phải nhận thức được là tham gia phạm tội cùng với người thực hành là người có trách nhiệm quản lý tài sản ấy.  

3. Nguyên tắc xử lý người có hành vi tham ô và tài sản do tham ô mà có

Nguyên tắc xử lý người có hành vi tham ô tài sản và tài sản do tham ô mà có được quy định cụ thể tại các Điều 92, 93 của Luật Phòng chống Tham nhũng năm 2018 như sau: 

3.1. Nguyên tắc xử lý người có hành vi tham nhũng

Thứ nhất, người có hành vi tham ô tài sản mà giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều sẽ phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Kể cả trong trường hợp người đó đã nghỉ hưu, thôi việc hoặc chuyển công tác;

  • Thứ hai, người có hành vi tham ô tài sản quy định tại Điều 2 của Luật này nếu tính chất và mức độ vi phạm mà gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự;
  • Thứ ba, trường hợp người mà có hành vi tham ô bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức xử lý;
  • Thứ tư, người mà có hành vi tham ô tài sản đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự;
  • Thứ năm, người bị kết án về tội tham ô tài sản là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

3.2. Nguyên tắc xử lý tài sản do tham ô mà có

  • Tài sản do tham ô mà có thì phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật;
  • Thiệt hại do hành vi tham ô gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nếu có bất cứ thắc nào về luật hình sự quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài tư vấn luật hình sự 19006512 để được các luật sư của DFC tư vấn một cách hiệu quả nhất.

Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn. Trân trọng!

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.