Khi kinh doanh không hiệu quả, chủ hộ kinh doanh có thể làm thủ tục chuyển nhượng hộ kinh doanh cá thể. Đây là thủ tục mới được Luật doanh nghiệp 2020 hướng dẫn, so với các quy định cụ. Sau đây, DFC tư vấn thủ tục chuyển nhượng hộ kinh doanh như sau.
Thủ tục chuyển nhượng hộ kinh doanh cá thể
1. Căn cứ pháp lý
- Luật doanh nghiệp 2020;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 03 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Các bước thực hiện thủ tục chuyển nhượng hộ kinh doanh cá thể
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ bao gồm:
Theo khoản 3 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ chuyển nhượng hộ kinh doanh bao gồm:
Trường hợp thay đổi chủ hộ kinh doanh thì hộ kinh doanh gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
a) Thông báo thay đổi chủ hộ kinh doanh do chủ hộ kinh doanh cũ và chủ hộ kinh doanh mới ký hoặc do chủ hộ kinh doanh mới ký trong trường hợp thay đổi chủ hộ kinh doanh do thừa kế;
b) Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán trong trường hợp bán hộ kinh doanh; hợp đồng tặng cho đối với trường hợp tặng cho hộ kinh doanh; bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế trong trường hợp thay đổi chủ hộ kinh doanh do thừa kế;
c) Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thay đổi chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
d) Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Bước 2: Hộ kinh doanh nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thay đổi chủ hộ kinh doanh, Chủ hộ kinh doanh có trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở, kể từ khi nhận đủ hồ sơ cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho hộ kinh doanh.
3. Lưu ý khi làm thủ tục chuyển nhượng hộ kinh doanh cá thể
Chuyển nhượng hộ kinh doanh là thủ tục thay đổi chủ hộ kinh doanh sang một cá nhân, hộ gia đình mới khác. Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, chủ mới hộ kinh doanh có thể là cá nhân hoặc hộ gia đình.
Sau khi bán, tặng cho, thừa kế thì hộ kinh doanh vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của hộ kinh doanh phát sinh trước ngày chuyển hộ kinh doanh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa hộ kinh doanh, người mua, người tặng cho, người thừa kế và các chủ nợ của hộ kinh doanh.
Chủ hộ kinh doanh mới phải đáp ứng điều kiện do pháp luật quy định Khoản 2, 3 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện chủ thể thành lập hộ kinh doanh:
“2. Cá nhân, thành viên hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
3. Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.”
Như vậy, để trở thành chủ Hộ kinh doanh mới cá nhân phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Cá nhân chưa đăng ký thành lập hộ kinh doanh nào trên cả nước;
- Cá nhân, thành viên không phải là chủ doanh nghiệp tư nhân;
- Cá nhân không được là thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự đồng ý của các thành viên hợp danh còn lại.
Trên đây là những tư vấn sơ bộ của Luật sư DFC về thủ tục chuyển nhượng hộ kinh doanh cá thể. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về thủ tục này hãy liên hệ đến chúng tôi, DFC luôn sẵn sàng giải đáp và tháo gỡ mọi vướng mắc của bạn một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp nhất. Quý khách hàng muốn được tư vấn, hỗ trợ, tìm hiểu thêm vui lòng kết nối đến số 19006512 hoặc gửi thư đến địa chỉ luatsudfc@gmail.com để được trợ giúp.
Xem thêm: Đăng ký thành lập hộ kinh doanh 2021: Thủ tục, hồ sơ, lệ phí
LS. Lê Minh Công