Hành vi làm dấu giả, tài liệu giả và giấy tờ giả là các hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội và xâm hại trực tiếp đến quan hệ xã hội được bảo vệ. Hành vi này là hành vi đặc biệt nguy hiểm, đây là những hành vi mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, sử dụng thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt nhằm qua mặt cơ quan chức năng để thực hiện những hoạt động không đúng đắn. Vậy tội làm con dấu giả, làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức và tội làm giấy tờ giả bị tội gì?, mức phạt với những tội này như thế nào, Công ty tư vấn Luật DFC xin giải đáp thắc mắc của bạn ngay sau đây:
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 số 01/VBHN – VPQH của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam;
Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;
Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Nội dung tư vấn
Hành vi làm giả con dấu, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi trái pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với tên gọi đầy đủ là Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Một người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 nếu người ấy đáp ứng đầy đủ cấu thành tội phạm của tội ấy. Đối với Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì cấu thành tội phạm như sau:
Mặt khách thể của tội phạm: tội này xâm phạm trật tự quản lý Nhà nước về con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Mặt khách quan của tội phạm: là hành vi tạo ra con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức giả mạo (không phải do cơ quan Nhà nước ban hành ra).
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý.
Mặt chủ thể của tội phạm: là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Lưu ý:
Người làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội là tội làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Người làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu đó thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật hình sự và tội độc lập khác theo nguyên tắc phạm nhiều tội được quy định trong pháp luật hình sự.
Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội làm giả con dấu, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức bao gồm 04 khung hình phạt bao gồm 03 hình phạt chính và 01 hình phạt bổ sung. Theo đó, mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, không phải lúc nào, hành vi làm con dấu giả, làm tài liệu giả cũng có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tùy theo mức độ và tính chất của hành vi ấy mà họ chỉ bị xử phạt cảnh cáo, phạt tiền mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, tại Điều 12 của Nghị định sô 167/2013/NĐ – CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi làm giả con dấu bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
“Điều 12. Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
d) Khắc dấu giả hoặc sử dụng con dấu giả.”
Hành vi làm giấy tờ giả là hành vi trái pháp luật va có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khác với tội làm con dấu giả, làm tài liệu giả theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hành vi làm giấy tở giả quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tên gọi Tội giả mạo trong công tác.
Tội giả mạo trong công tác là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau: sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ kỳ của người có chức vụ, quyền hạn.
Tương tự như tội làm dấu giả, làm tài liệu giả thì tội làm giấy tờ giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tội ấy đáp ứng đầy đủ cấu thành tội phạm dược quy định như sau:
Mặt khách thể của tội phạm: tội phạm xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức;
Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một hành vi sau: làm, cấp giấy tờ giả hoặc cấp, đưa vào lưu thông các loại giấy tờ giả. (Ví dụ: làm bằng cấp giả…)
Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.
Mặt chủ thể của tội phạm: là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có năng lực trách nhiệm hình sự và nắm giữ chức vụ, quyền hạn
Lưu ý: trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm, cấp giấy tờ giả để thực hiện hành vi cấu thành một tội phạm độc lập khác thì người thực hiện hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo nguyên tắc phạm nhiều tội.
Theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì có tất cả 05 khung hình phạt, trong đó có 04 khung hình phạt chính và 01 hình phạt bổ sung. Khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung như bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Ngoài ra, căn cứ vào mức độ và tính chất của hành vi làm giấy tờ giả mà họ chỉ bị xử phạt cảnh cáo, phạt tiền mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Tại Điều 15 của Nghị định số 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì hành vi làm giấy tờ giả sẽ bị xử phạt như sau:
“Điều 15. Vi phạm quy định về quản lý, cấp văn bằng, chứng chỉ
Phạt tiền đối với hành vi vi phạm về việc cấp văn bằng, chứng chỉ theo các mức phạt sau đây:
a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ có nội dung không đúng quy định;
b) Từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đủ điều kiện;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ không đúng thẩm quyền.”
Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn! Trân trọng.
Khuyến nghị
Công ty Luật DFC cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý nhanh về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực hình sự thông qua Tổng đài tư vấn luật hình sự miễn phí 1900.6512 (tư vấn miễn phí).
Nếu có thắc mắc hoặc khó khăn, hãy liên hệ với Công ty để nhận được câu trả lời đúng nhất từ đội ngũ Luật sư chuyên môn, uy tín và trách nhiệm.