Quyền tự do kinh doanh của Doanh nghiệp - Những điều cần biết

Luật Sư: Lê Minh Công

09:28 - 11/05/2021

Kinh doanh là gì? Quyền tự do kinh doanh là gì? Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành được quy định như thế nào? Sau đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật DFC để làm rõ các câu hỏi nêu trên.

Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệpQuyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp

Căn cứ pháp lý:

- Hiến Pháp 2013;

- Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, ban hành ngày 17/06/2020;

- Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, ban hành ngày 17/06/2020.

1. Kinh doanh là gì?

Kinh doanh là việc thực hiện một cách liên tục về một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, từ việc sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng với mục đích cuối cùng là tạo ra lợi nhuận.

2. Quyền tự do kinh doanh là gì?

Quyền tự do kinh doanh được hiểu là quyền của công dân trong việc lựa chọn hình thức tổ chức kinh tế, ngành nghề và quy mô kinh doanh.

Điều 33 Hiến Pháp 2013 quy định rằng mọi người dân có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

3. Quyền kinh doanh của Doanh nghiệp là gì?

Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định chi tiết rằng Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Quyền kinh doanh của Doanh nghiệp được cụ thể hóa theo quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể:

Điều 7. Quyền của doanh nghiệp

Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.

Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.

Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.

Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.

Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.

Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.

Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Quyền khác theo quy định của pháp luật.

4. Quyền tự do kinh doanh của Doanh nghiệp là gì? 

Theo Luật Đầu tư 2020 quy định đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh. Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật Đầu tư không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan. Qua đó được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật.

Các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư 2020 bao gồm 8 lọai ngành, nghề như sau:

- Kinh doanh các chất ma túy; 

- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư;

- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư;

- Kinh doanh mại dâm;

- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

- Kinh doanh pháo nổ;

- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Trên đây là nội dung tư vấn sơ bộ về quyền kinh doanh, quyền tự do kinh doanh của Doanh nghiệp và các ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành của Công ty Luật DFC, nếu có bất kỳ thắc mắc nào bạn có thể liên hệ qua hotline 1900.6512 hoặc gửi thư đến địa chỉ luatsudfc@gmail.com để được trợ giúp.

LS. Lê Minh Công

 

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.