Những điểm nổi bật của luật Đất đai năm 1987

Luật Sư: Lê Minh Công

15:54 - 28/11/2019

Lãnh thổ của một quốc gia được gọi là “toàn vẹn” nếu quốc gia ấy phải tối thiểu có những bộ phận sau đây: vùng đất, vùng nước và vùng trời. Trong đó, vùng đất được coi là nhân tố tối quan trọng nhất. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng đại diện chủ sở hữu tối cao thuộc về Nhà nước. Sớm nhận thức được điều này, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, văn bản pháp luật liên quan đến đất đai được pháp điển hóa thành một bộ luật ra đời năm 1987 có hiệu lực từ ngày ban hành (29/12/1987) với tên gọi Luật Đất đai. Đây thực sự là một bước đột phá trong tiến trình làm luật ở nước ta. Vậy Luật Đất đai năm 1987 có những điểm gì nổi bật? Hôm nay, Công ty tư vấn Luật DFC xin gửi đến bạn bài viết phân tích sau đây:

Căn cứ pháp lý

  • Căn cứ vào Luật Đất đai năm 1987 số 03-LCT/HĐNN8 của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam;
  • Căn cứ vào Quyết định 201-CP năm 1980 cua nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước do Hội Đồng Chính phủ ban hành.

Nội dung tư vấn

Luật Đất đai năm 1987 bao gồm 06 Chương và 57 Điều khoản, cụ thể:

  • Chương 1 về Những quy định chung bao gồm có 08 điều;
  • Chương 2 về Chế độ quản lý đất đai bao gồm có 14 điều;
  • Chương 3 về Chế độ sử dụng các loại đất bao gồm có 27 điều;
  • Chương 4 về Những quy định về chế độ sử dụng đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức liên doanh, hợp tác xã của Việt Nam và nước ngoài bao gồm có 02 điều;
  • Chương 5 về Khen thưởng và kỷ luật bao gồm có 04 điều;
  • Chương 6 về Điều khoản cuối cùng bao gồm có 02 điều.

Phần Mở đầu của Luật Đất đai năm 1987 có dẫn chiếu vai trò quan trọng của đất đai như sau: “Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế được của nông nghiệp, lâm nghiệp, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh và quốc phòng. Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta tốn bao công sức và xương máu mới khai thác, bồi bổ, cải tạo và bảo vệ được vốn đất như ngày nay.”

1. Những điểm nổi bật của Luật Đất đai năm 1987

1.1. Luật Đất đai năm 1987 là sự kế thừa và hoàn thiện pháp luật trước đó trong lĩnh vực đất đai

    Luật Đất đai năm 1987 ở nước ta đã khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý và vẫn giữ 07 nội dung quản lý nhà nước về đất đai như ở Quyết định số 201/CP ngày 01/7/1980 và có hoàn thiện hơn, đó là:

  • Quy định về điều tra, khảo sát, đo đạc, phân hạng đất và lập bản đồ địa chính;
  • Quy định liên quan đến vấn đề quy hoạch và kế hoạch hoá việc sử dụng đất;
  • Quy định về các chế độ sử dụng đất; thể lệ về quản lý, sử dụng đất đai; tổ chức thực hiện các chế độ và thể lệ đất đai;
  • Quy định về vấn đề giao đất và thu hồi đất đai;
  •  Quy định liên quan đến việc đăng ký đất đai; lập và giữ sổ địa chính; kế hoạch thống kê đất đai và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Quy định về thanh tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ về quản lý, sử dụng đất đai;
  • Quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề đất đai.

1.2. Luật Đất đai năm 1987 là văn bản luật đầu tiên điều chỉnh quan hệ đất đai, bảo vệ quyền sở hữu của Nhà nước, giao đất ổn định lâu dài

Luật Đất đai năm 1987 phân chia quỹ đất ở nước ta theo mục đích sử dụng làm 05 loại như sau: Đất nông nghiệp; Đất lâm nghiệp; Đất khu dân cư; Đất chuyên dùng; Đất chưa sử dụng. Theo tinh thần của Luật Đất đai năm 1987 thì:

  • Kinh tế nông hộ đã được khôi phục và phát triển với tư cách là một đơn vị kinh tế hàng hoá có quyền tự chủ với đầy đủ nghĩa vụ và lợi ích;
  • Các hộ nông dân được giao ruộng đất để sử dụng lâu dài, nông hộ được sử dụng tư liệu sản xuất theo khả năng, được tự chủ tổ chức lao động và thuê thêm nhân công;
  • Việc khẳng định quyền sở hữu tối cao của Nhà nước về ruộng đất, giao cho các nông trường, lâm trường và cá nhân quyền sử dụng đất ổn định và lâu dài đã làm thay đổi quan hệ sở hữu theo chế độ tập thể hoá và quốc doanh hoá trước đây;
  • Ở các vùng cao nguyên, rừng núi và biển, hình thức tổ chức lâm nghiệp xã hội đã mở ra sự kết hợp các quan hệ hợp tác giữa quốc doanh với các hộ nhận đất, nhận rừng trở thành thành viên của lâm - nông - ngư trường;
  • Khuyến khích kinh tế tư nhân trong lĩnh vực khai thác sử dụng đất.

2. Những hạn chế, thiếu sót của Luật Đất đai năm 1987

Luật Đất đai năm 1987 được soạn thảo trong bối cảnh nước ta bắt đầu đổi mới, vừa tuyên bố xóa bỏ chế độ quan liêu bao cấp nên còn mang nặng tính chất của cơ chế đó khi soạn luật. Do đó, đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như sau:

  • Việc tính thuế trong giao dịch đất đai rất khó khăn vì Nhà nước chưa thừa nhận quyền sử dụng đất có giá trị;
  • Chưa quy định rõ những cơ sở pháp lý cần thiết để điều chỉnh về quan hệ đất đai trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, trong quá trình tích tụ tập trung sản xuất trong nông nghiệp và phân công lại lao động trong nông thôn;
  • Chính sách tài chính đối với đất đai chưa rõ nét, đặc biệt là giá đất;
  • Chưa có những điều chỉnh thích đáng đối với những bất hợp lý trong những chính sách cũ, trong việc thay đổi quy hoạch, thay đổi kết cấu hộ nông dân trong nông thôn;
  • Chỉ mới tập trung chủ yếu vào việc xử lý đối với đất nông - lâm nghiệp.
  • Chưa cho phép người sử dụng đất dịch chuyển quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rõ ràng rằng, bắt đầu từ giai đoạn này, với sự ra đời của Luật Đất đai năm 1987 thì công tác quản lý đất đai đã bắt đầu đi vào nề nếp và đặc biệt chú ý tới việc xác định, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp địa phương.

    Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn! Trân trọng. 

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.