Hợp đồng kinh tế và hợp đồng mua bán - Giống và khác nhau như thế nào?

Luật Sư: Lê Minh Công

09:28 - 11/03/2021

Hợp đồng kinh tế và hợp đồng mua bán là hai loại hợp đồng phổ biến trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên hiểu đúng bản chất của các loại hợp đồng này là điều không dễ dàng ngay kể cả với những cử nhân Luật. Trong bài viết dưới đây Luật sư DFC sẽ giúp bạn đọc hiểu và phân biệt được hai loại hợp đồng này.

Hợp đồng kinh tế và hợp đồng mua bán - Giống và khác nhau như thế nào?
Hợp đồng kinh tế và hợp đồng mua bán - Giống và khác nhau như thế nào?

1. Khái niệm hợp đồng kinh tế và hợp đồng mua bán hàng hòa

*Hợp đồng kinh tế 

Theo quy định tại Điều 1, Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế năm 1989 có định nghĩa: 

“Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình”.

*Hợp đồng mua bán hàng hóa

Hợp đồng mua bán hàng hóa theo quy định Điều 430, Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

2. Điểm giống nhau giữa hai loại hợp đồng kinh tế và hợp đồng mua bán

Thứ nhất, cả hai hợp đồng kinh tế và hợp đồng mua bán đều hình thành trên cơ sở tự nguyện của các bên, quyền tự do lựa chọn được thể hiện qua những phương diện sau:

  • Tự do lựa chọn chủ thể giao kết hợp đồng
  • Tự do thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng
  • Tự do lựa chọn thời điểm giao kết hợp đồng

Thứ hai, hai bên trong quan hệ hợp đồng đều có lợi. Trong nền kinh tế thị trường thì việc mỗi bên trong quan hệ hợp đồng khi giao kết đều có mục đích tư lợi cho mình là điều dễ hiểu, hai bên trong quan hệ hợp đồng kinh tế và hợp đồng mua bán hàng hóa có thể thỏa thuận các điều khoản có lợi nhất cho mình nhưng không được lừa dối hay chèn ép bên còn lại và không được trái với quy định pháp luật.

Thứ ba, hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng kinh tế đều là hợp đồng song vụ tức là mỗi bên trong quan hệ hợp đồng đều có cả quyền và nghĩa vụ. Quyền và nghĩa vụ của mỗi chủ thể bao giờ cũng tương xứng với nhau, quyền bên này là nghĩa vụ bên kia và ngược lại. Trong quá trình thực hiện hợp đồng căn cứ vào nội dung hợp đồng đã giao kết mà xác định xem chủ thể nào phải thực hiện nghĩa vụ của mình trước khi nghĩa vụ của bên này đã xong sẽ là cơ sở để bên còn lại thực hiện phần nghĩa vụ của mình.

Thứ tư, các bên trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa hay hợp đồng kinh tế phải cam kết bằng tài sản của mình về việc sẽ thực hiện các nghĩa vụ của mình đúng như thỏa thuận từ đầu. Nghĩa vụ bằng tài sản theo góc nhìn của nhà lập pháp sẽ được hiểu là các biện pháp bảo đảm để chắc chắn hợp đồng có thể được thực hiện hoặc trường hợp không thể được thực hiện thì sẽ giảm thiểu thiệt hại về lợi ích kinh tế lên bên không có lỗi dẫn đến hợp đồng không thể thực hiện được

3. Điểm khác nhau giữa hai loại hợp đồng kinh tế và hợp đồng mua bán

Bên cạnh những điểm giống nhau đã liệt kê ở trên thì hợp đồng kinh tế và hợp đồng mua bán sẽ mang những đặc trưng riêng biệt để có thể giúp mọi người dễ dàng phân biệt được.

Thứ nhất, hợp đồng kinh tế là hợp đồng thương mại chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong khi đó hợp đồng mua bán hàng hóa có thể chịu sự điều chỉnh của cả Bộ luật dân sự 2015 lẫn Luật thương mại 2005. Lý do được đưa ra xuất phát từ việc các hợp đồng kể trên trong thực tế có thể được giao kết giữa những chủ thể chịu sự điều chỉnh của hai văn bản pháp luật này.

Cụ thể, nếu chủ thể giao kết hợp đồng là thương nhân hay cá nhân, tổ chức khác thực hiện hoạt động thương mại thường xuyên nhưng chưa hoặc không phải đăng ký thì có thể chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại 2005. Ngược lại nếu chủ thể giao kết không phải là thương nhân và chỉ là chủ thể thường không thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa thường xuyên thì sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự 2015.

Thứ hai, phạm vi áp dụng của hợp đồng kinh tế sẽ rộng hơn hợp đồng mua bán hàng hóa. Thực tế khi giao kết hợp đồng hay khi giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền tài phán thì tên hợp đồng giao kết không gây quá nhiều bận tâm. Đó là lý do hợp đồng kinh tế là một loại hợp đồng “quốc dân”, một cái tên an toàn. Nên dù đối tượng của hợp đồng có là hàng hóa hay dịch vụ… thì vẫn có thể được thỏa thuận dưới những điều khoản của một hợp đồng kinh tế. Ngược lại hợp đồng mua bán hàng hóa đã thể hiện rõ đối tượng mà hợp đồng hướng đến là hàng hóa rồi cho nên không thể lấy cái tên này để đặt cho một hợp đồng mà ở đó các bên thỏa thuận về việc cung cấp một dịch vụ hay một công việc được.

Trên đây là những đặc điểm mà Luật sư DFC cho rằng là nổi bật để giúp bạn đọc có thể dễ dàng phân biệt và nhận biết cũng như sử dụng hợp đồng kinh tế và hợp đồng mua bán hàng hóa sao cho phù hợp với thực tiễn áp dụng trong cuộc sống. Trường hợp còn bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ về tổng đài tư vấn 19006512 của chúng tôi để được tư vấn và giải đáp một cách trực tiếp.

Bài viết cùng chủ đề:

Hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại - Giống và khác nhau như thế nào?

LS. Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.