Hiện nay trong giao dịch mua bán hàng hóa, nhiều người thường có nhầm lẫn giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại. Việc xác định loại hợp đồng có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định pháp luật điều chỉnh, đặc biệt để xác định thời hiệu khởi kiện khi phát sinh tranh chấp. Qua bài viết dưới đây Công ty luật DFC sẽ làm rõ sự giống và khác nhau giữa hai bài viết này.
Xem thêm: Hợp đồng kinh tế và hợp đồng mua bán - Giống và khác nhau như thế nào?
Hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại - Giống và khác nhau như thế nào?
1. Những điểm giống nhau giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại:
- Về ý chí: Hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế đều được thiết lập dựa trên sự tự nguyện, bình đẳng và thỏa thuận giữa các bên.
- Về nội dung hợp đồng: Nội dung hợp đồng đều quy định các điều khoản về chủ thế giao kết, đối tượng của hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên; phương thức thực hiện; phương thức thanh toán và điều khoản giải quyết tranh chấp nếu có.
- Về hình thức của hợp đồng: Hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế đều có thể được kí kết dưới hình thức bằng văn bản, bằng lời nói và bằng hành động. Giá trị pháp lý của các hình thức giao kết là như nhau. Trừ một số trường hợp pháp luật yêu cầu bắt buộc phải công chứng chứng thực giao dịch thì hình thức giao kết phải bằng văn bản.
2. Những điểm khác nhau giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại.
*Về mục đích hợp đồng
- Hợp đồng dân sự: BLDS 2015 định nghĩa, “Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, hợp đồng dân sự xác lập giao dịch dân sự, có thể sinh lợi hoặc không. Hợp đồng dân sự là một phạm trù rộng, bao gồm nhiều loại hợp đồng cụ thể khác nhau, trong đó có hợp đồng thương mại.
- Vậy hợp đồng thương mại là đặc thù của hợp đồng dân sự, khi đó mục đích của hợp đồng là hướng tới hoạt động sinh lợi hay còn gọi là hoạt động thương mại (Điều 3 LTM). Ngoài ra, theo quy định của Luật này, hợp đồng không có mục đích sinh lợi, tuy nhiên một bên là thương nhân và hai bên thống nhất lựa chọn Luật Thương mại để áp dụng thì cũng được coi là hợp đồng thương mại.
*Về chủ thể hợp đồng
- Hợp đồng dân sự: Các bên tham gia hợp đồng dân sự có thể là tổ chức, cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự. Trường hợp chủ thể là cá nhân không đủ năng lực hành vi dân sự (chưa thành niên), không có năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự ... thì đại diện của cá nhân tham gia ký kết hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự 2015. Đối với chủ thể hợp đồng dân sự là tổ chức thì tổ chức đó không bắt buộc phải có tư cách pháp nhân.
- Hợp đồng thương mại: Chủ thể của hợp đồng là thương nhân hoặc tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại. Theo Luật Thương mại 2005, thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, có đăng ký kinh doanh và có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề kinh doanh theo các khu vực địa lý, dưới các hình thức và cách thức mà pháp luật không cấm.
*Luật điều chỉnh:
- Hợp đồng dân sự thông thường do Bộ luật dân sự điều chỉnh. Tuy nhiên, đối với một số hợp đồng dân sự mà bên giao dịch là thương nhân tại Việt Nam chọn luật áp dụng là Luật thương mại thì thỏa thuận đó vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại.
- Hợp đồng thương mại được điều chỉnh bởi Luật thương mại, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.
*Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
+ Phạt vi phạm hợp đồng:
- Luật thương mại quy định tổng mức phạt cho hợp đồng thương mại không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp Hợp đồng dịch vụ giám định.
- Hợp đồng dân sự: Mức phạt vi phạm hợp đồng dân sự do các bên tự thoả thuận và không bị khống chế bởi Bộ luật dân sự.
+ Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng:
- Với hợp đồng thương mại, bên vi phạm phải bồi thường cho bên bị vi phạm kể cả khi các bên không có thỏa thuận trước về điều khoản bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng (Điều 302 LTM).
- BLDS 2015 quy định về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng dân sự như sau:“Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” (Điều 13 BLDS).
Như vậy các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trên đây là phần khái quát các nội dung giống và khác nhau cơ bản giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại do Công ty luật DFC biên tập. Để hiểu rõ hơn về nội dung trên cũng như tư vấn các vấn đề pháp lý đang gặp phải bạn đọc có thể liên hệ tổng đài tư vấn miễn phí 19006512 để được giải đáp. Trân trọng!
Bài viết cùng chủ đề:
Vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa và mức phạt
Quy định về phạt hợp đồng khi chậm tiến độ
LS. Lê Minh Công