Hình phạt với tội cá độ bóng đá

Luật Sư: Lê Minh Công

15:15 - 13/11/2019

Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2017 là đạo luật hiện hành có hiệu lực của nước ta hiện nay. Kế thừa những quy định ở Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 tiếp tục bổ sung và hoàn thiện những quy định mới nhằm áp dụng ngày càng có hiệu quả vào thực tiễn xã hội. “Cá độ bóng đá” đã không còn là một khái niệm xa lạ, nhất là trong thời đại của sự bùng nổ khoa học – công nghệ như hiện nay. Vậy cá độ bóng đá có vi phạm pháp luật hay không? Cá độ bóng đá có phạm tội khôngCông ty tư vấn Luật DFC xin giải đáp thắc mắc của bạn ngay sau đây:

Căn cứ pháp lý

  • Căn cứ vào Bộ luật Hình sự năm 2015;

  • Căn cứ vào Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2017;

  • Căn cứ vào Nghị định số 167/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

1. Cá độ bóng đá có vi phạm pháp luật không?

Cá độ bóng đá được hiểu một cách đơn giản là hành vi thực hiện với mục đích được thua bằng tiền hoặc tài sản khác mà không được cơ quan nhà nước cho phép trong lĩnh vực bóng đá. 

Thực chất của việc cá độ bóng đá chính là hành vi đánh bạc. Và theo Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì Tội đánh bạc được quy định tại Điều 321. Theo đó, một người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người đó thực hiện một trong những hành vi sau:

  • Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

  • Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về tội này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Cấu thành tội phạm tội cá độ bóng đá

Một người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự trong trường hợp người đó đáp ứng đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm của tội này, bao gồm:

  • Về mặt khách thể của tội phạm: người phạm tội đánh bạc xâm phạm đến trật tự công cộng, trật tự quản lý của nhà nước trong lĩnh vực an ninh – xã hội.

  • Về mặt khách quan của tội phạm: người phạm tội này thực hiện dưới hình thức cá độ bóng đá. Theo đó, người nào thực hiện hành vi cá độ được thua bằng tiền hay hiện vật và trái với quy định của pháp luật thì phạm tội này. Hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc phải có trong cấu thành tội phạm của tội này .

  • Về mặt chủ quan của tội phạm: người phạm tội thực hiện tội này với lỗi cố ý.

  • Về mặt chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội này không phải là chủ thể bắt buộc mà chỉ cần là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực pháp luật hình sự thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội này.

3. Hình phạt với tội cá độ bóng đá

Quy định của pháp luật về tội cá độ bóng đá như sau. Tội đánh bạc theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 bao gồm 03 khung hình phạt, trong đó khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 03 năm và khung hình phạt cao nhất là từ 03 đến 07 năm. Cụ thể như sau:

  • Khung hình phạt ở Khoản 1: người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:  (i) đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật Hình sự hoặc (ii) đã bị kết án về tội này hoặc (iii) tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 

Người phạm tội thuộc Khoản 1 Điều này sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

  • Khung hình phạt ở Khoản 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 đến 07 năm:

    • Có tính chất chuyên nghiệp;
    • Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
    • Sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
    • Tái phạm nguy hiểm.
  • Khung hình phạt ở Khoản 3: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Có phải trong tất cả mọi trường hợp, người cá độ bóng đá đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Như đã phân tích ở trên, một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người đó đáp ứng những cấu thành tội phạm. Trong trường hợp người đó không đáp ứng những cấu thành tội phạm thì trong trường hợp này, người mắc tội cá độ bóng đá có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định ở Nghị định số 167/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

Điều 26. Hành vi đánh bạc trái phép

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:

c) Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;”.


Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn luật hình sự miễn phí có thể liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6512 để đươc tư vấn 1 cách cụ thể nhất.

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.