Pháp nhân – một thuật ngữ được dùng để phân biệt tư cách của các chủ thể là tổ chức với cá nhân trong các quan hệ pháp lý. Vậy điều kiện để 1 tổ chức có tư cách pháp nhân?
Tư cách pháp nhân của doanh nghiệp
Hiện nay không có quy định pháp luật nào nêu cụ thể: Pháp nhân là gì?
Tuy nhiên căn cứ vào điều 74 Bộ luật dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau:
- Được thành lập theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư,…;
- Có cơ cấu tổ chức theo quy định: Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân;
- Có tài sản riêng, độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm đối với hoạt động của pháp nhân bằng tài sản của mình;
- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Theo quy định bất kỳ cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Nếu tổ chức nào không đáp ứng một điều kiện trên thì sẽ không có tư cách pháp nhân
Pháp luật doanh nghiệp có quy định các loại hình doanh nghiệp như sau:
Trong đó, Công ty TNHH và công ty cổ phần được thành lập theo quy định đã đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên nên trở thành tổ chức có tư cách pháp nhân.
Tại khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh dưới một tổ chức có tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể huy động thêm thành viên góp vốn, trong đó:
- Thành viên hợp danh công ty phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình hoạt động của công ty;
- Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp.
Mặc dù theo quy định thành viên hợp danh không có tài sản độc lập với công ty nhưng công ty hợp danh lại tồn tại thành viên góp vốn, đây là những thành viên có tài sản độc lập với doanh nghiệp. Do đó, công ty hợp danh vẫn là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
Tại khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của tổ chức này.
Như vậy có thể thấy, quy định chủ doanh nghiệp tư nhân phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của cá nhân mình làm cho tài sản của doanh nghiệp không còn độc lập với tài sản của cá nhân. Trường hợp doanh nghiệp phá sản, không thanh toán được các nghĩa vụ của mình, chủ doanh nghiệp tư nhân phải dùng tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán các nghĩa vụ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Công ty còn có thể thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, những tổ chức này là một bộ phận của doanh nghiệp, phụ thuộc vào công ty nên cũng không có tư cách pháp nhân.
Trên đây là nội dung của Công ty TNHH Luật DFC về vấn đề tư cách pháp nhân của tổ chức. Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc câu hỏi liên quan, vui lòng liên hệ qua Tổng đài 19006512 để nhận được nội dung tư vấn chính xác và đầy đủ nhất. Trân trọng!
LS. Lê Minh Công