Thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Luật Sư: Lê Minh Công

16:13 - 03/08/2021

Thủ tục thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam như thế nào? Thủ tục cấp lại giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài? Mời quý bạn đọc theo dõi trong nội dung bài viết dưới đây:

Theo Khoản 7 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định “Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

1. Thủ tục cấp giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài

a) Điều kiện thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

- Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;

- Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký; 

- Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ; 

- Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài;

- Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.


Thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam - Tổng đài miễn phí: 1900.6512

b) Thành phần hồ sơ 

- Bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh;

- Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Chi nhánh;

- Bản sao báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp;

- Bản sao hộ chiếu/CMND/CCCD (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Chi nhánh;

- Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Chi nhánh (phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam)

- Bản sao Điều lệ hoạt động của Chi nhánh (phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam)

- Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài;

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh theo mẫu  đơn 05 ban hành kèm theo Thông tư 11/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký. 

c) Thủ tục thực hiện 

Bước 1: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền

Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ nêu trên  trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Bộ Công Thương.

Bước 2: Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.

Bước 3: Xin ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành 

Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và trường hợp việc thành lập Chi nhánh chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, Bộ Công Thương gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Công Thương, Bộ quản lý chuyên ngành có văn bản nêu rõ ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý cấp phép thành lập Chi nhánh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ quản lý chuyên ngành, Bộ Công Thương cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp không cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do

Bước 4: Trả kết quả cấp giấy phép thành lập chi nhánh

Trừ trường hợp phải xin ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành nêu tại bước 3, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương cấp Giấy phép cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp từ chối cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do. 

2. Thủ tục cấp lại giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài

a) Trường hợp cấp lại giấy phép thành lập chi nhánh

Thương nhân nước ngoài làm thủ tục cấp lại Giấy phép thành lập Chi nhánh trong những trường hợp Giấy phép thành lập Chi nhánh bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới mọi hình thức. 

b) Hồ sơ cấp lại giấy phép thành lập chi nhánh

Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập Chi nhánh theo mẫu đơn 06 ban hành kèm theo Thông tư 11/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký.

c) Thủ tục thực hiện

Bước 1: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền

Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Bộ Công Thương.

Bước 2: Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.

Bước 3: Trả kết quả

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương cấp lại Giấy phép thành lập Chi nhánh. Trường hợp không cấp lại phải có văn bản nêu rõ lý do.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về thủ tục thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.  Để được tư vấn miễn phí cho những trường hợp cụ thể vui lòng gọi vào hotline 1900 6512 để được đội ngũ Luật sư DFC hỗ trợ và giải đáp.

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.