Về nội dung liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh chị em, bạn đọc có đặt ra câu hỏi như sau: Chào Luật sư. Xin Luật sư tư vấn giúp tôi. Bố mẹ chồng của tôi có 5 người con, chồng tôi là anh trai cả trong gia đình. Bố thì mất cách đây 5 năm, mẹ chồng tôi vừa mới mất, sống chung với mẹ là em trai út của chồng tôi. Vì trước đây em ấy bị tai nạn giao thông nên mất khả năng lao động. Gia đình chồng tôi có họp lại để thống nhất hàng tháng cấp dưỡng cho em. Nhưng người em thứ ba không đồng ý việc cấp dưỡng. Vậy thưa Luật sư, việc người em thứ ba không đồng ý có vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng hay không?
Xem thêm: Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng bị xử lý như thế nào?
Công ty Luật DFC: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi về hòm thư điện tử gmail: luatsudfc@gmail.com của chúng tôi. Đội ngũ Luật sư Công ty Luật DFC đã xem xét tình huống của chị và xác định câu hỏi của chị liên quan tới nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh chị em. Sau đây là nội dung tư vấn chi tiết:
Căn cứ pháp lý:
Nội dung tư vấn:
Căn cứ Điều 112 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh chị em trong gia đình. Theo đó, trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Hiện tại, cha mẹ chồng của bạn đã mất. Người em út thì bị tai nạn giao thông không còn khả năng lao động. Cho nên không thể tự làm việc để nuôi sống bản thân. Xét về tình nghĩa, chồng và các em của chồng chị chung một huyết thống, đều là người thân ruột thịt với nhau. Em út không thể tự lo cho mình thì các anh/chị là những người thân còn lại phải có trách nhiệm để chăm sóc, nuôi dưỡng người em. Pháp luật về hôn nhân gia đình đã quy định về nghĩa vụ của anh chị em trong gia đình với nhau. Các anh/chị đã thành niên không sống chung với em thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng bằng cách đóng góp tiền hoặc tài sản để người em có thể đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Việc từ chối cấp dưỡng của người em thứ ba của chồng chị đã vi phạm pháp luật về nghĩa vụ cấp dưỡng. Trường hợp này thì chồng chị, các anh chị khác hoặc người em út có thể yêu cầu Tòa án buộc người em thứ ba thực hiện việc cấp dưỡng theo quy định.
Nếu nhất quyết không thực hiện việc cấp dưỡng thì người em thứ ba có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 54 vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng quy định tại nghị định 167/2013/NĐ-CP.
“ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật.”
Hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015. Chế tài xử phạt là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Trên đây là nội dung của Công ty Luật DFC tư vấn về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh chị em trong gia đình theo quy định pháp luật. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn của chúng tôi theo SĐT 1900.6512 để được các Luật sư trực tiếp giải đáp.
L.S Lê Minh Công
Bài viết liên quan:
Dịch vụ giải quyết tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con của DFC
Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi vợ chồng ly hôn đến khi con bao nhiêu tuổi?