Giải đáp: Thương mại điện tử là gì? Pháp luật về thương mại điện tử?

Luật Sư: Lê Minh Công

15:24 - 16/05/2021

Việc áp dụng công nghệ vào phát triển kinh doanh chính là kết quả vĩ đại nhất của cuộc Cách mạng 4.0 toàn cầu. Chính vì thế, Thương mại điện tử là xu hướng đón đầu, được rất nhiều người đặc biệt là các doanh nghiệp quan tâm. Bài viết dưới đây đề cập về vấn đề: Thương mại điện tử là gì? Pháp luật về thương mại điện tử? Với chủ đề này, Luật sư DFC xin giải đáp như sau:

Thương mại điện tử là gì?
Thương mại điện tử là gì? Pháp luật thương mại điện tử là gì?

1. Thương mại điện tử là gì?

Thương mại điện tử (TMĐT) là quá trình mua, bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ và thông tin thông qua mạng máy tính, bao gồm mạng Internet. Theo nghĩa hẹp, đó đơn giản chỉ là việc tiến hành các hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử và mạng viễn thông. Phương tiện điện tử và mạng viễn thông sử dụng phổ biến trong quá trình này là điện thoại, ti vi, máy fax, mạng truyền hình, mạng internet, mạng intranet, mạng extranet… trong đó máy tính và mạng internet là được sử dụng nhiều nhất để tiến hành các hoạt động thương mại điện tử vì nó có khả năng tự động hóa cao các giao dịch.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định, hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Như vậy, TMĐT bản chất vẫn là hoạt động mua bán hàng hoá nhưng thay vì diễn ra trực tiếp thông qua hành vi của các cá nhân, tổ chức thì sẽ diễn ra trên mỗi trường Internet trên các nền tảng là các website bán hàng, mạng viễn thông được đăng ký theo quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:

- Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam;

- Cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam;

- Thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.

  • Trường hợp không cư trú ở Việt Nam, muốn tạo website TMĐT tại Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài trước hết cần đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật nước sở tại. Nếu không có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam thì phải sử dụng tên miền Việt Nam. Sau đó, cá nhân, tổ chức cần thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website TMĐT bán hàng theo quy định tại Điều 52 nghị định 52/2013/NĐ-CP.

Sàn giao dịch thương mại điện tử là một trong những hình thức hoạt động thương mại phổ biến hiện nay. Theo Điều 9 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, sàn giao dịch TMĐT là website TMĐT cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Căn cứ khoản 1 Điều 35 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT là thương nhân, tổ chức thiết lập website TMĐT để các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Xem thêm: Đơn đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT

*Việc tổ chức giao dịch trên sàn Thương mại điện tử được diễn ra dưới các hình thức:

- Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

- Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

- Website có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;

- Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

Hiện nay, hình thức tạo lập website cho phép phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ đang rất phổ biến. Người tham gia trưng bày, giới thiệu hàng hoá có thể phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh theo quy định.

Tại Việt Nam, một số website về sàn giao dịch TMĐT lớn là: Tiki, Shopee, Lazada, Sendo...

2. Pháp luật thương mại điện tử là gì?

Ngoài những đặc điểm chung của một hệ thống pháp luật, một ngành luật là có tính quy phạm cụ thể, có tính quy phạm phổ biến, có tính cưỡng chế và chặt chẽ về nội dung, hình thức; pháp luật về TMĐT còn có những đặc điểm riêng xuất phát từ đặc thù hoạt động như sau:

- Một là, có sự kết hợp các qui phạm truyền thống với qui phạm hiện đại,bản chất là sự kết hợp giữa hoạt động thương mại truyền thống và việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Bởi vậy, các qui định của pháp luật về thương mại điện tử được thiết kế, xây dựng, ban hành nhằm điều chỉnh những mối quan hệ thương mại, hành vi thương mại, hoạt động thương mại diễn ra trên môi trường mạng; các hành vi ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao, hành vi sử dụng các phương tiện điện tử, thiết bị số để thực hiện hoạt động thương mại.

- Hai là, pháp luật về TMĐT có sự giao thoa của các qui phạm pháp luật ở nhiều ngành luật.

Rõ ràng, qui định của pháp luật về TMĐT sẽ bao gồm những qui phạm pháp luật trong các lĩnh vực, ngành Luật: thương mại, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, ngân hàng, quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thuế…

Cho dù pháp luật về TMĐT tồn tại dưới dạng luật, pháp lệnh hay chỉ là một chế định pháp luật thì thực tiễn cho thấy rằng, bản thân các ngành luật khác nếu có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, cũng sẽ có những quy định đặc thù.

Khi đó, tiêu chí lựa chọn áp dụng pháp luật nào, ngành Luật nào cũng cần được xem xét.

- Ba là, pháp luật về TMĐT có độ trễ nhất định nhưng nhanh chóng lạc hậu, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tốc độ đổi mới thiết bị, thay đổi công nghệ cũng như đào thảo công nghệ cũ, lạc hậu diễn ra nhanh chóng.

Điều này khiến cho tồn tại xã hội luôn có những hành vi sử dụng, ứng dụng công nghệ mới, thiết bị mới vào mục đích thương mại ở trong trạng thái “chưa chịu sự điều chỉnh của pháp luật”.

Nhà hoạch định chính sách, pháp luật phải nỗ lực, cố gắng để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện qui định của pháp luật có liên quan; đồng thời, những qui định của pháp luật về thương mại điện tử cũng rất nhanh chóng trở nên lạc hậu, lỗi thời bởi đặc thù nêu trên.

- Bốn là, pháp luật về TMĐT có đối tượng điều chỉnh bao gồm vật thể và phi vật thể.

Tham gia trao đổi, mua bán trên môi trường mạng bao gồm tất cả sản phẩm của ngành sản xuất vật chất và phi vật chất, có vật hữu hình và vật vô hình, sản phẩm dịch vụ, sản phẩm nội dung số, phần mềm, ứng dụng, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ…

Với sự phong phú, đa dạng của hàng hóa, dịch vụ tham gia như vậy, pháp luật thương mại điện tử có sự phức tạp hơn rất nhiều so với pháp luật thương mại truyền thống.

- Năm là, pháp luật về TMĐT được thực thi chủ yếu trên môi trường mạng. Để điều chỉnh hoạt động thương mại diễn ra trên môi trường mạng, các qui định của pháp luật về thương mại điện tử được thiết kế, xây dựng phù hợp với đặc điểm này.

Trên đây toàn bộ tư vấn về Pháp Luật về thương mại điện tử mới nhất Công ty Luật DFC gửi tới bạn đọc. Nếu có thêm thắc mắc, vui lòng liên hệ Tổng đài Tư vấn 1900.6512 để được các Luật sư, chuyên viên pháp lý về mảng kinh doanh thương mại tư vấn giải đáp.

L.S Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.