Nhà thầu cần làm gì để tránh khỏi tranh chấp với Chủ đầu tư?

Luật Sư: Lê Minh Công

14:15 - 25/02/2021

Để hạn chế những tranh chấp và những thiệt hại xảy ra, nhà thầu cần lưu ý một số những vấn đề sau khi hợp tác, làm việc với Chủ đầu tư.

Nhà thầu cần làm gì để tránh khỏi tranh chấp với Chủ đầu tưNhà thầu cần làm gì để tránh khỏi tranh chấp với Chủ đầu tư?

Thi công xây dựng là hoạt động khó khăn mất nhiều thời gian và tiềm ẩn nhiều vướng mắc, tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng. Đặc biệt là với các nhà thầu thi công, do vai trò là đơn vị làm thuê, đi xin việc nên thường phải chịu nhiều những khó khăn, bất lợi hơn từ phía chủ đầu tư đưa ra.

Những bất lợi đó xảy ra ngay từ giai đoạn đàm phán ký kết hợp đồng đến việc triển khai thi công và bàn giao công trình. Để hạn chế những tranh chấp và những thiệt hại xảy ra, nhà thầu cần lưu ý một số những vấn đề sau khi hợp tác, làm việc với Chủ đầu tư.

1. Trong khâu đàm phán, ký kết hợp đồng

Với đặc điểm là đơn vị thiếu việc làm, cần có nhu cầu tìm việc của nhà thầu phụ; nên khi ký hợp đồng thi công xây dựng với nhà thầu chính, Chủ đầu tư ; các nhà thầu phụ thường ký với các điều khoản mẫu mà Chủ đầu tư, nhà thầu chính đã có xây dựng sẵn; hoặc phải chấp nhận tuân theo những điều khoản không thuận lợi cho các nhà thầu.

Đó là các điều khoản về tiến độ, về điều kiện, quy trình nghiệm thu chất lượng công trình; về thủ tục, quy trình tạm ứng, thanh toán, quyết toán các chế tài phạt vi phạm…Chủ đầu tư bao giờ cũng đưa ra các thủ tục, quy trình chặt chẽ, nghiêm khắc đề ràng buộc trách nhiệm với nhà thầu.

Nhiều nhà thầu khi ký hợp đồng, thứ nhất có thể do chủ quan, nghiên cứu không kỹ hợp đồng hoặc có nghiên cứu nhưng không hiểu hết, không đề nghị giải thích làm rõ những thỏa thuận không rõ ràng nên đồng ý với các điều khoản của hợp đồng do chủ đầu tư.

Ví dụ:

Một nhà thầu thi công nhỏ, chỉ nhận phần nhân công để thi công một hạng mục san lấp mặt bằng cho công trình. Trong hợp đồng, nhà thầu chính đã sử dụng mẫu hợp đồng thi công ở các phần khác để áp dụng vào hạng mục san lấp. Theo đó, nhà thầu chính sẽ có trách nhiệm giữ lại 10% giá trị hợp đồng để phục vụ giai đoạn quyết toán.

Khi hạng mục san lấp xong và yêu cầu thanh toán, thì nhà thầu thi công mới biết rằng hợp đồng của mình chỉ được thanh toán đến 90% giá trị. Còn 10% phải đợi khi công trình hoàn tất, và quyết toán toàn bộ thì mới được thanh toán. Ở đây ta thấy rằng, nhà thầu chỉ nhận phần nhân công, không phải hạng mục phức tạp, có hàm chứa các yếu tố kỹ thuật, công nghệ, chất xám nhưng đã bị giữ lại giá trị hợp đồng để làm quyết toán. Đó là một thỏa thuận không phù hợp, gây thiệt hại cho nhà thầu phụ.  

Khi ký hợp đồng, nhà thầu phụ cần đàm phán và trao đổi rõ về trách nhiệm quyết toán đối với phần việc này. Có thể nhà thầu sẽ không phải làm quyết toán hoặc không phải bị giữ lại 10% giá trị hợp đồng.

2. Trong khâu nghiệm thu thanh toán công trình

Trong hợp đồng thi công quy định: “Chủ đầu tư sẽ tạm ứng 30% khi vật tư đến chân công trình và được chủ đầu tư nghiệm thu xác nhận”. Tuy nhiên khi vật tư đến công trường, do nhiều nguyên nhân chủ quan khách quan, hai bên mới chỉ có biên bản giao nhận vật tư hàng hóa, chưa có biên bản nghiệm thu vật tư.

Trong lúc thi công, uy tín và mối quan hệ của hai bên rất tốt; nhà thầu không quan tâm đến điều kiện tạm ứng hợp đồng, mặt khác chủ đầu tư cũng tạm ứng được một phần (nhưng thiếu so với quy định) do đó nhà thầu vẫn tiếp tục cho lắp đặt vật tư thiết bị vào công trình.   

Khi công trình thi công gần như hoàn tất, nhà thầu đề nghị chủ đầu tư nghiệm thu để tiến hành thanh toán. Lúc này chủ đầu tư đề nghị trình bộ hồ sơ nghiệm thu thanh toán, thì nhà thầu không có biên bản nghiệm thu khi thiết bị đến công trình. Đặc biệt, một số tài liệu đầu vào của thiết bị bị thiếu hoặc thất lạc không bổ sung được. Do đó nhà thầu đã phải mất nhiều thời gian, công sức và cả chi phí mới thuyết phục được các bên ký hoàn thiện biên bản nghiệm thu này.

Qua sự việc trên đã bộ lộ sự chủ quan và thể hiện năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế của nhà thầu. Nhà thầu đã thiếu nghiêm túc, không làm hồ sơ chặt chẽ ngay từ đầu; không chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ chất lượng đầu vào ngay khi mang hàng đến công trình. Nhà thầu phải yêu cầu chủ đầu tư nghiệm thu, xác nhận ngay khi vật tư thiết bị đến công trình.

Trường hợp chủ đầu tư không xác nhận, không cho tiến hành lắp đặt vào công trình, tạm dừng việc thi công… có như vậy vừa gây sức ép cho chủ đầu tư nghiệm thu vừa đảm bảo hồ sơ chặt chẽ, an toàn đưa vào công trình. Tránh trường hợp, khi háng hóa lắp đặt rồi vì yếu tố lỗi nào đó nếu hàng hóa không đạt chất lượng như quy định, nhà thầu phải mất chi phí tháo dỡ, tìm kiếm thay thế thiết bị mới. Khi đó thiệt hại cho nhà thầu sẽ phải tăng lên rất nhiều.  

3. Lời khuyên từ Luật sư DFC

Trong quá trình hoạt động tư vấn pháp lý, đội ngũ Luật sư DFC đã được tiếp cận và giải quyết rất nhiều các các tranh chấp cho các nhà thầu. Các nhà thầu thường bị tranh chấp bởi chủ đầu tư, nhà thầu chính khi họ không chịu ký hồ sơ nghiệm thu, không phê duyệt giá trị quyết toán công trình cho các thầu phụ.

Quá trình tạm ứng, thanh toán không đảm bảo đúng quy định hợp đồng; từ đó gây khó khăn cho nhà thầu phụ; dẫn đến  thầu phụ bỏ dở công trình, không tiếp tục thi công và yêu cầu dừng hợp đồng. Khi đó, để bảo vệ cho nhà thầu, nhà phải thầu bình tĩnh và nhẫn nại thậm chí phải chấp nhận giảm giá trị vì bị chủ đầu tư ép cắt giảm.

Nhà thầu cố gắng bổ sung hoàn thiện hồ sơ, ký được nghiệm thu giá trị một cách tối đa nhất. Ngược lại, nếu nhà thầu nóng vội, không chịu nhún nhường, chủ đầu tư sẽ kéo dài thời gian, không ký hồ sơ nghiệm thu thanh toán, nhà thầu rất khó khăn trong việc yêu cầu thanh toán hợp đồng. Đó là những bất lợi, những thiệt thòi rất lớn của các nhà thầu phụ khi gặp phải những chủ đầu tư, nhà thầu chính như thế và tình trạng này xảy ra rất phổ biến trong hoạt động thi công xây dựng tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trong suốt chặng đường gần 17 năm qua, DFC đã hợp tác cùng các đơn vị của các Tập đoàn, Tổng công ty như: Tổng Công ty Xây dựng Hạ tầng Licogi, Tổng công ty Xây dựng Sông Đà, Tổng công ty XDCT GT 1 (cienco1) cũng như các Tập đoàn kinh tế khác để giúp họ trong việc tư vấn, làm hồ sơ nghiệm thu quyết toán, thu hồi vốn từ các công trình mà các Chủ đầu tư, đơn vị giao thầu không thanh toán nợ cho các nhà thầu.

Để hạn chế những rủi ro và phòng chống những tranh chấp gây bất lợi cho nhà thầu. DFC khuyến cáo các nhà thầu nên thận trọng từ lúc thỏa thuận các điều khoản hợp đồng kinh tế; chặt chẽ làm đến đâu khép kín hồ sơ yêu cầu Chủ đầu tư, nhà thầu chính ký hồ sơ nghiệm thu công trình đến đó; xuất đầy đủ hóa đơn giá trị gia tăng, đảm bảo tính pháp lý chắc chắn cho hồ sơ trước khi tính đến phương án quyết liệt như khởi kiện chủ đầu tư ra Tòa.

LS. Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.