Trình tự, thủ tục nội dung giải quyết khiếu nại trong sở hữu trí tuệ

Luật Sư: Lê Minh Công

14:06 - 22/09/2020

Sở hữu trí tuệ là một trong những lĩnh vực pháp luật còn “mới” ở Việt Nam so với các quốc gia khác trên thế giới. Giải quyết khiếu nại trong Sở hữu trí tuệ là một nội dung quan trọng và mang tính phức tạp. Sau đây, Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6512 sẽ gửi đến nội dung tư vấn sở hữu trí tuệ trong vấn đề giải quyết khiếu nại.

Và theo hướng dẫn tại Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 năm 06 năm 2016 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành đã nêu rõ các trình tự, thủ tục một cách chi tiết trong giải quyết khiếu nại sở hữu trí tuệ như sau:

Thủ tục giải quyết khiếu nại sở hữu trí tuệ

1. Trình tự các bước giải quyết khiếu nại của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam

Căn cứ vào Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN nêu trên thì Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc sở hữu trí tuệ, các bước giải quyết khiếu nại đó là:

- Bước 01: Tiếp nhận hồ sơ của chủ thể khiếu nại. Chủ thể khiếu nại có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tại những địa chỉ của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam;

- Bước 02: Tiến hành thụ lý đơn hoặc không thụ lý đơn khiếu nại của chủ thể khiếu nại. Nơi hồ sơ được nộp tới sẽ tiến hành kiểm tra các mặt: hình thức, nội dung của đơn khiếu nại (căn cứ khiếu nại, người khiếu nại …) và thông báo cho chủ thể khiếu nại bằng văn bản cho chủ thể khiếu nại là thụ lý hay không thụ lý đơn khiếu nại (nếu không thụ lý phải nêu rõ lý do);

- Bước 03: Tiến hành giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.

2. Chủ thể có quyền khiếu nại sở hữu trí tuệ

Chủ thể có quyền khiếu nại sở hữu trí tuệ là người nộp đơn và các cá nhân, tổ chức liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp của cơ quan quản lý của Nhà nước về sở hữu công nghiệp có quyền khiếu nại cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp đó hoặc tiến hành khởi kiện ra Tòa án Nhân dân có thẩm quyền để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, khi tiến hành khiếu nại, chủ thể có quyền khiếu nại sở hữu trí tuệ cam kết về tính trung thực khi khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

3. Hồ sơ, giấy tờ cần có của chủ thể có quyền khiếu nại cần chuẩn bị để nộp đến Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Theo quy định tại Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN thì khi tiến hành khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam thì chủ thể có quyền khiếu nại cần chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ sau:

- Tờ khai khiếu nại (Mẫu đơn khiếu nại làm theo Mẫu số 05-KN của Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN);

- Văn bản giải trình, bao gồm một số nội dung sau: đối tượng khiếu nại, nội dung khiếu nại, nội dung khiếu nại, yêu cầu giải quyết khiếu nại và danh mục chứng cứ đính kèm (nếu có);

- Bản sao quyết định bị khiếu nại hoặc thông báo bị khiếu nại và bản sao đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bị khiếu nại. Bản so văn bản trả lời giải quyết khiếu nại lần 1 (trong trường hợp giải quyết khiếu nại lần 2);

- Bản sao chứng từ nộp lệ phí, nộp phí;

- Giấy ủy quyền (nếu là người đại diện đi nộp đơn).

4. Thời hạn giải quyết khiếu nại của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam

- Kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của chủ thể có quyền khởi kiện, cơ quan tiếp nhận thực hiện việc thẩm tra, ra quyết định thông báo thụ lý hoặc không thụ lý hồ sơ trong vòng 10 ngày. Kể từ ngày tiếp nhận thông báo không thụ lý thì chủ thể có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp có ý kiến trong vòng 30 ngày;

- Đối với giải quyết khiếu nại lần một, kể từ ngày thụ lý thì cơ quan giải quyết khiếu nại trong vòng 30 ngày (nếu phức tạp thì thời hạn sẽ không vượt quá 45 ngày);

- Đối với giải quyết khiếu nại lần hai, kể từ ngày thụ lý thì cơ quan giải quyết khiếu nại trong vòng 45 ngày (nếu phức tạp thì thời hạn sẽ không vượt quá 60 ngày).

5. Nơi tiếp nhận đơn khiếu nại

Chủ thể khiếu nại có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tại các trụ sở sau của Cục sở hữu trí tuệ:

- Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ có địa chỉ tại Số 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội;

- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ tại Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh;

- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng có địa chỉ tại Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Trên đây là nội dung tư vấn giải quyết khiếu nại trong sở hữu trí tuệ của Tổng đài tư vấn pháp  luật 1900.6512. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc câu hỏi liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ để nhận được nội dung tư vấn chính xác và đầy đủ nhất. Trân trọng!

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.