Khi nào phá hợp đồng đặt cọc mua nhà không phải bồi thường mà có thể hoàn lại tiền đặt cọc? Công ty Luật DFC sẽ gửi tới bạn nội dung trên trong bài viết dưới đây.
Khi nào phá hợp đồng đặt cọc mua nhà không phải bồi thường?
Căn cứ pháp lý:
Câu hỏi tư vấn: Xin chào luật sư, Tôi vừa giao kết một hợp đồng đặt cọc mua nhà chung cư tại quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện việc sang tên sổ đỏ quá lâu nên tôi không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng. Vậy giờ tôi có thể phá hợp đồng đặt cọc mua nhà và lấy lại tiền được không? Xin cảm ơn luật sư
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi tới văn phòng Luật sư DFC. Chúng tôi xin tư vấn trường hợp phá vỡ hợp đồng đặt cọc của bạn như sau:
Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên nhằm xác lập, thay đổi, hủy bỏ một nghĩa vụ nào đó. Vậy khi giao kết hợp đồng, các bên phải thỏa thuận từng điều khoản của hợp đồng thì khi chấm dứt hợp đồng hay nói cách khác là phá bỏ hợp đồng có cần thảo luận không? Hợp đồng dân sự nói chung và hợp đồng đặt cọc mua nhà nói riêng, đều phải có sự thỏa thuận cả khi bắt đầu và chấm dứt, tránh việc phải bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng.
Như đã nói ở trên, hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên nên hợp đồng đặt cọc mua nhà cũng vậy, hai bên sẽ thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi, hủy bỏ liên quan đến việc mua bán căn nhà. Tuy nhiên, hợp đồng đặt cọc mua nhà có sự đặc biệt hơn hợp đồng mua nhà ở chỗ, đặt cọc là một trong các hình thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Theo Điều 328 Bộ luật dân sự 2015, đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc một loại tài sản có giá trị khác trong một thời hạn để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Như vậy, về bản chất thì hợp đồng đặt cọc mua nhà là một hợp đồng thực hiện một phần đảm bảo của hợp đồng mua nhà. Người mua sẽ phải giao cho bên mua một khoản tiền hoặc các loại tài sản có giá khác như vàng, bạc, cổ phiếu,... để đảm bảo rằng khi bên bán thực hiện hết các nghĩa vụ trong hợp đồng đặt cọc thì bên mua sẽ giao nốt phần tiền còn lại.
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng đặt cọc hay nói cách khác là khi phá hợp đồng đặt cọc mua nhà cần phải có căn cứ để thực hiện việc này bởi nếu việc phá bỏ hợp đồng mà gây ra thiệt hại có thể bồi thường hoặc bên còn lại có thể yêu cầu bồi thường dù không có thiệt hại xảy ra không chỉ một phần giá trị hợp đồng mà còn có thể gấp nhiều lần giá trị của hợp đồng đặt cọc đó.
Vậy nên khi phá hợp đồng đặt cọc mua nhà cần căn cứ theo các quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đặt cọc mà hai bên đã thỏa thuận. Ngoài ra, căn cứ Điều 424 Bộ luật dân sự 2015 quy định về trường hợp hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ, các bên có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng do bên kia vi phạm nghĩa vụ (lưu ý phải báo cho bên vi phạm nghĩa vụ biết về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng).
Như vậy, bạn có thể phá hợp đồng đặt cọc mua nhà và yêu cầu hoàn trả lại tiền đặt cọc nếu như họ vi phạm việc thực hiện sang tên sổ đỏ cho bạn trong thời gian mà hai bên đã thỏa thuận. Bạn phải yêu cầu họ hoàn trả lại tiền cọc và chấm dứt hợp đồng đặt cọc mua nhà càng sớm càng tốt kể từ thời điểm họ vi phạm nghĩa vụ, tránh gây thêm thiệt hại cho hai bên.
Trên đây là toàn bộ nội dung mà Công ty Luật DFC gửi tới bạn, nếu có bất kỳ thắc mắc nào về phá hợp đồng đặt cọc mua nhà bạn có thể liên hệ qua hotline 1900.6512 để được luật sư tư vấn trực tiếp, miễn phí.
LS. Lê Minh Công