Trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, việc vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa được biểu hiện bằng việc thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ trong hợp đồng như người bán không giao hàng, chậm giao hàng, chất lượng không đúng theo yêu cầu,…
Tranh chấp nghĩa vụ giao hàng không đúng chủng loại, nguồn gốc xuất xứ
Năm 2017, bên bán Công ty TNHH XNK Thiết bị tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, ký hợp đồng cung cấp 04 hệ thống thiết bị, máy móc trong dây chuyền sản xuất xi măng cho Công ty CP Sản xuát Xi Măng tại Quảng Ninh. Theo đó, toàn bộ thiết bị này là thiết bị nhập khẩu, mới 100% và được sản xuất tại Pháp.
Thực hiện hợp đồng nói trên, bên bán đã giao hàng đầy đủ, đảm bảo số lượng, chất lượng và được bên mua xác nhận cho đưa vào sử dụng. Về nghĩa vụ bên mua, bên mua đã thanh toán được 80% giá trị hợp đồng, 20% giá trị còn lại được hai bên xác nhận nợ nhưng không thực hiện thanh toán. Lý do bên mua không thực hiện thanh toán là vì, bên mua phát hiện trong 04 thiết bị nhập khẩu trên, có 01 thiết bị không phải được sản xuất từ Pháp. Thiết bị này có cùng nhãn hiệu, cùng hãng sản xuất của hãng bên Pháp nhưng được sản xuất tại Trung Quốc. Do đó bên mua không đồng ý thanh toán, đề nghị bên bán có biện pháp xử lý giải quyết, nếu không sẽ kiện bên bán vì cố tình vi phạm thực hiện giao hàng không đúng hợp đồng, làm giả hồ sơ tài liệu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Sau nhiều thời gian thương lượng, đưa ra nhiều giải pháp khác nhau nhưng bên mua không đồng ý làm việc và từ chối thực hiện thanh toán. Công ty TNNH XNK Thiết bị đã tìm đến Luật sư DFC Tư vấn trợ giúp.
Căn cứ vào hồ sơ vụ việc, dựa vào thông tin cung cấp trao đổi của khách hàng; Luật sư DFC đã nắm bắt được bản chất sự việc và đưa ra phương án tư vấn cho khách hàng như sau:
Bên bán đã vi phạm thỏa thuận hợp đồng với bên mua về việc cung cấp hàng hóa không đúng yêu cầu, sai nguồn gốc xuất xứ cho bên mua. Bên bán phải có trách nhiệm đàm phán thương thảo với bên mua để tìm phương án khắc phục hậu quả, giải quyết với tinh thần thiện chí, cầu thị nhằm hạn chế những thiệt hại không đáng có xảy ra.
Theo như thông tin bên bán cung cấp, thời điểm đặt hàng Nhà máy bên Pháp không còn sản xuất mã hàng này, bên bán đã gọi điện thông báo cho kỹ thuật của bên mua; bên mua đồng ý sử dụng sản phẩm thay thế được sản xuất tại Trung Quốc (vì lúc đó nếu không có thiết bị thay thế, nhà máy phải ngừng hoạt động, gây tổn thất, thiệt hại lớn) nên đồng ý để bên bán nhập hàng Trưng Quốc về. Tuy nhiên, tất cả thông báo, các cuộc gọi điện đó hiện nay đều không có căn cứ, cơ sở pháp lý. Mặc dù hàng được sản xuất từ Trung Quốc nhưng vẫn cùng một hệ thống nhà máy của hãng sản xuất, các thông số chỉ tiêu kỹ thuật và chất lượng vẫn đảm bảo đúng như hàng hóa được nhập từ bên Pháp. Thiết bị đã được lắp đặt và sử dụng được gần một năm vẫn đảm bảo chất lượng, ổn định, không có hỏng hóc, sự cố xảy ra.
Bên mua đã không quản lý chặt chẽ quá trình mua bán, lắp đặt thiết bị; tin tưởng và giao phó cho bộ phận chuyên môn. Không có cơ chế giám sát, kiểm tra chéo giữa các bộ phận chuyên môn nhằm ngăn ngừa phát hiện những sự cố do lỗi cố ý của các bộ phận chuyên môn gây ra. Lẽ đó, bên mua cũng phải chịu phần trách nhiệm trong việc mua bán hàng hóa không đúng nguồn gốc xuất xứ.
Trường hợp bên bán chứng minh được, người có thẩm quyền, lãnh đạo của bên mua đã biết sự việc mà không có bất kỳ động thái nào, tiếp tục cho lắp đặt sử dụng thì bên bán sẽ giảm gần như là miễn trách trong hợp này
Căn cứ vào lỗi, mức độ vi phạm của hai bên; đối chiếu với nghĩa vụ thực hiện theo hợp đồng, bên mua mới thực hiện thanh toán 70% giá trị, còn lại 30% giá trị hợp đồng chưa thanh toán. Luật sư DFC chúng tôi đưa ra hướng giải quyết cho khách hàng là: cần giảm giá trị (30-50%) vật tư thay thế trên để bên mua đồng ý thanh toán phần còn lại cho bên bán. Luật sư chúng tôi đồng ý xuất hiện, tham gia cùng khách hàng đi thương thuyết, đàm phán phân tích lỗi, hậu quả pháp lý, các tình huống xấu nhất nếu các bên không thỏa thuận hòa giải được.
Sau khi được sự tư vấn trợ giúp từ luật sư DFC, Công ty TNHH XNK thiết bị đã đàm phán, đưa ra phương án giảm trừ giá trị, cam kết và bảo lãnh chất lượng sản phẩm thay thế; công ty CP Sản xuất xi măng đã chấp nhận điều chỉnh lại hợp đồng, ký các văn bản bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ cho khớp với hàng hóa thực tế. Bên bán bên mua tiến hành quyết toán và thanh toán giá trị còn lại của hợp đồng đã ký.
Các bên cần tuân thủ đúng hợp đồng quy định, đảm bảo giao hàng đúng chủng loại, chất lượng mà hai bên thỏa thuận. Trường hợp có phát sinh, để đảm bảo tính cấp thiết sự vụ, các bên có thể sử dụng trao đổi bằng email, tin nhắn cần lưu giữ làm chứng cứ. Sau đó cần thỏa thuận và lập thành văn bản để đảm bảo giá trị pháp lý phòng khi có tranh chấp xảy ra.
Khi xảy ra tranh chấp, mặc dù lỗi xuất phát từ hai bên, nhưng do đang bị đối tác chiếm giữ tiền hàng, chưa thanh toán hết. Cho nên, chúng ta cần có giải pháp mềm mỏng, linh hoạt chấp nhận chịu thiệt hơn, để nhanh chóng khép chặt hồ sơ pháp lý, thu hồi lại tiền hàng. Nếu đợi Tòa án hoặc cơ quan pháp luật phán xét ai đúng ai sai; thì phải mất rất nhiều thời gian, tốn kém chi phí mà chưa chắc đã mang lại hiệu quả về kinh tế.
Trên đây là phần tư vấn vụ việc mà Luật sư DFC đã giải quyết để quý khách hàng có thể tham khảo. Để tư vấn, giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán quý khách vui lòng liên hệ với Luật sư DFC để được tư vấn. Mọi thắc mắc hãy gọi tới Tổng đài tư vấn pháp luật 19006512. Xin cảm ơn!
LS. Lê Minh Công