Tranh chấp chất lượng, giá trị hàng hóa nghiệm thu theo hợp đồng

Luật Sư: Lê Minh Công

11:09 - 29/01/2021

Khi tranh chấp chất lượng, giá trị hàng hóa nghiệm thu kém chất lượng so với thực tế trong hợp đồng thì bên mua có quyền được áp dụng các chế tài thương mại, theo quy định của Luật Thương mại.

tư vấn chất lượng, giá trị chưa đảm bảo theo yêu cầu trong hợp đồng
Tư vấn chất lượng, giá trị chưa đảm bảo theo yêu cầu trong hợp đồng

*Trường hợp tư vấn chất lượng, giá trị chưa đảm bảo theo yêu cầu trong hợp đồng

Năm 2018, Công ty TNHH Quốc tế NG ký hợp đồng mua bán lắp đặt hệ thống DAF có nguồn gốc, sản xuất từ Ấn Độ cho Công ty CP sản xuất giấy MZ ở Hà Nội với giá trị hợp đồng 1.5 tỷ. Theo thỏa thuận hợp đồng, bên bán (Công ty NG) có trách nhiệm cung cấp và cử cán bộ kỹ thuật giám sát quá trình lắp đặt hệ thống DAF để cung cấp để xử lý nước thải cho nhà máy giấy MZ. Bên mua (Công ty CP sản xuất giấy MZ) không mua đồng bộ 100% hệ thống DAF, đã tận dụng các vật tư thiết bị có sẵn, hoặc mua ngoài các linh kiện vật tư khác nhằm tiết kiệm kinh phí, giảm chi tiêu cho doanh nghiệp.

Thực hiện hợp đồng mua bán nói trên, bên bán đã cung cấp mới 100% các thiết bị máy móc, vật tư phụ kiện đi kèm; cử cán bộ kỹ sư giám sát quá trình thi công lắp đặt hệ thống DAF. Sau 03 tháng thi công, hệ thống xử lý nước tại nhà máy đã hoàn thành; các bên tiến hành nghiệm thu đi vào giai đoạn vận hành chạy thử.

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành chạy thử, theo kết quả thí nghiệm chất lượng nước thải đầu ra vẫn chưa đảm bảo theo yêu cầu. Chất lượng nước thải chưa đảm bảo, TSS chất thải rắn trong nước vẫn cao, tỷ lệ tiêu hao hóa chất vượt quá định mức trong hợp đồng quy định...Do đó Công ty CP sản xuất giấy MZ không tiến hành nghiệm thu giá trị hàng hóa và thanh toán 70% giá trị còn lại theo hợp đồng cho bên bán.

Sau nhiều ngày đàm phán thương lượng, thuyết phục bên mua không được; Công ty TNHH Quốc tế NG đã tìm đến Luật sư DFC để được tư vấn trợ giúp.  

*Luật sư DFC tiếp cận và nghiên cứu hồ sơ

Trong quá trình tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ việc và gửi các mẫu câu hỏi, yêu cầu làm rõ sự bản chất sự việc; chúng tôi đưa ra quan điểm và định hướng các phương án giải quyết tiếp theo cho Công ty TNHH Quốc tế NG như sau:

Thứ nhất, theo quy định của hợp đồng, bên bán phải có nghĩa vụ thanh toán tiếp đến 70% sau khi bên mua đã vận chuyển và bàn giao hàng hóa đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ mới 100%, tại chân công trình cho bên mua. Việc giao nhận hàng hóa đến chân công trình đã được các bên nghiệm thu và xác nhận đầy đủ. Do đó, bên bán có quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiếp 20% giá trị tiền hàng để bên bán thực hiện các công việc, nghĩa vụ tiếp theo hợp đồng đối với vận hành chạy thử sản phẩm.

Thứ hai, bên bán tiếp tục làm việc với bên mua để kiểm tra, đánh giá lại nguyên nhân gây ra chất lượng nước đầu ra không đạt như yêu cầu, mức độ tiêu hao hóa chất cao hơn quy định. Kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các thông số, chỉ tiêu kỹ thuật của các linh phụ kiện do bên mua tự ý mua ngoài, không phải của chính hãng nhà sản xuất hệ thống DAF. Căn cứ nhiều văn bản khuyến cáo trước đây của bên bán, bên mua đã không đáp ứng đầy đủ các điều kiện đầu vào, cụ thể như: các thiết bị bên mua sử dụng vượt các giới hạn thiết kế,  hóa chất sử dụng và tỷ lệ pha không đạt yêu cầu , công suất xả thải quá cao, dẫn đến các rủi ro khi xả thải ra ngoài môi trường…

 Thứ bao, sau khi rà soát toàn bộ hệ thống DAF, bên mua đã thay đổi sửa chữa theo đúng yêu cầu của bên bán và được bên bán xác nhận. Hai bên sẽ cho vận hành chạy lại thiết bị, các bên sẽ trực tiếp cùng giám sát và cho lấy mẫu thí nghiệm để có kết quả khách quan, trung thực nhất.

Trường hợp chất lượng nước đạt yêu cầu thì các bên tiến hành nghiệm thu hoàn tất các công việc theo hợp đồng để tiến hành quyết toán thanh toán giá trị còn lại.

Trường hợp, bên mua đã thay thế cho khắc phục toàn bộ theo khuyến nghị của bên bán mà chất lượng nước đầu ra không đạt, thì nguyên nhân là do lỗi của hệ thống DAF; bên bán sẽ có trách nhiệm xử lý khắc phục để cho kết quả đúng như yêu cầu của hợp đồng. Trường hợp ngược lại, nếu chất lượng nước không đạt như yêu cầu mà nguyên nhân vẫn là những lỗi đã được bên mua khuyến nghị trước đây mà bên bán không muốn thay thế sửa chữa, thực hiện theo chỉ dẫn bên bán; thì nguyên nhân chất lượng nước đầu ra không đạt không phải là lỗi của hệ thống DAF. Khi đó, bên bán có quyền yêu cầu bên mua tiến hành nghiệm thu thanh toán phần nghĩa vụ còn lại. Trường hợp bên mua cố tình không thực hiện nghiệm thu, thanh toán; bên bán sẽ buộc phải chuyển vụ việc ra cơ quan Tòa án để giải quyết.

*Lời khuyên của Luật sư DFC

Về việc thỏa thuận ký kết hợp đồng:

Bên bán cung cấp hệ thống DAF là đồng bộ, đảm bảo theo tiêu chuẩn, chất lượng của nhà sản xuất. Nhưng khi thỏa thuận, ký kết hợp đồng này; bên mua đã không mua đầy đủ trọn bộ hệ thống DAF từ bên bán. Bên mua đã tận dụng, mua ngoài các linh phụ kiện không phải cùng nhà sản xuất; điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận hành hệ thống DAF và kết quả chất lượng nước đầu ra. Tuy nhiên, bên bán đã không tính trước đến hệ quả này; để có những thỏa thuận về chất lượng đầu ra của hệ thống DAF cho phù hợp.

Về việc thực hiện hợp đồng:

- Theo quy định hợp đồng, bên mua phải thanh toán đến 70% khi hàng hóa được giao đến chân công trình và được xác nhận nghiêm thu của bên mua. Mặc dù hàng hóa đã được giao đầy đủ có nghiệm thu xác nhận của bên mua; nhưng bên mua không thực hiện thanh toán theo thỏa thuận. Tuy nhiên, bên bán không có bất kỳ quan điểm và tiếp tục đồng ý thực hiện hợp đồng.

- Trong quá trình giám sát lắp đặt hệ thống DAF, kỹ sư bên bán đã phát hiện bên mua không đáp ứng đủ điều kiện đầu vào; các linh phụ kiện mua ngoài bên mua cũng không thông báo các thông số, chỉ tiêu kỹ thuật cho bên bán biết. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của hệ thống DAF. Vậy nhưng, bên bán cũng bỏ qua, vẫn tiếp tục cho bên mua lắp đặt vận hành hệ thống.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn và những định hướng giải quyết mà Luật sư DFC hỗ trợ cho Công ty TNHH Quốc tế NG. Công ty Quốc tế NG dựa vào những định hướng trên, kết hợp cùng Luật sư DFC trực tiếp tham gia thương lượng đàm phán với đối tác. Sau 03 tháng làm việc, bên bán và bên mua đã thống nhất được phương án giải quyết toàn bộ các nghĩa vụ còn lại của hai bên trong hợp đồng.

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.