Điều kiện, cách tính trợ cấp thôi việc cho công chức năm 2020

Luật Sư: Lê Minh Công

14:40 - 29/09/2020

Đối với chế độ trợ cấp thôi việc cho công chức, cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

Xem thêm: BHXHVN - Cách tính lương hưu cho cán bộ công chức Nhà nước?

Điều kiện, cách tính trợ cấp thôi việc cho công chức năm 2020

Công chức là người làm công trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Trở thành công chức là mục tiêu của rất nhiều người vì tính ổn định trong công việc, mức lương cũng như công việc ít chịu ảnh hưởng bởi sự biến động về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, không phải lúc nào khi đã trở thành công chức đồng nghĩa là cá nhân sẽ gắn bó với vị trí đó đến khi đủ độ tuổi về hưu. Thực tế công chức vẫn có thể được nghỉ việc cũng như bị nghỉ việc theo quy định của pháp luật. Khi đó vấn đề về trợ cấp thôi việc cho công chức sẽ lại phải đưa ra xem xét.

Cho nên bài viết dưới đây của Luật sư DFC chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề trợ cấp thôi việc đối với công chức này cho bạn đọc. Hy vọng đây sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho tất cả mọi người. 

Căn cứ pháp lý

  • Luật cán bộ, công chức 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành

Nội dung tư vấn

1. Điều kiện công chức được hưởng trợ cấp thôi việc?

Căn cứ Điều 3, Nghị định 46/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thôi việc và trình tự nghỉ hưu đối với công chức và Điều 58,59 Luật cán bộ, công chức 2008 thì được hưởng trợ cấp thôi việc cho công chức nếu rơi vào hai trường hợp sau:

TH1: Theo nguyện vọng của bản thân và được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý.

TH2: Công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ bị cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết thôi việc trừ trường hợp công chức là nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

2. Trình tự thủ tục tiến hành giải quyết thôi việc đối với công chức?

Công chức muốn xin nghỉ việc nếu muốn đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thôi việc đối với công chức phải tuân thủ các bước được quy định trong luật. Cụ thể:

Đối với trường hợp xin nghỉ việc theo nguyện vọng bản thân, công chức phải làm đơn cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn xin nghỉ việc, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tiến hành phản hồi bằng văn bản là có hay không đồng ý với quyết định nghỉ việc này của công chức. Căn cứ để không đồng ý phải là một trong số các căn cứ dưới đây:

  • Công chức đang trong thời gian thực hiện việc luân chuyển, biệt phái, đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Công chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với cơ quan, tổ chức, đơn vị khi được xét tuyển;
  • Công chức chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị;
  • Do yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc chưa bố trí được người thay thế.

Nếu có những căn cứ nêu trên mà công chức vẫn tự ý tiến hành nghỉ việc thì sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc đối với công chức, đồng thời có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật của mình.

Đối với trường hợp xin nghỉ việc do 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có kết quả phân loại đánh giá công chức, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thông báo bằng văn bản đến công chức về việc giải quyết thôi việc. Kể từ khi ra thông báo tối đa 30 ngày sau, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định thôi việc.

Việc thanh toán trợ cấp thôi việc đối với công chức sẽ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thôi việc được đưa ra. 

3. Cách tính trợ cấp thôi việc cho công chức?

Trợ cấp thôi việc cho công chức được được tính như sau: cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có)

Lưu ý mức trợ cấp không được thấp hơn một tháng tiền lương hiện hưởng.

4. Thời gian hưởng trợ cấp thôi việc đối với công chức?

Căn cứ theo khoản 1, Điều 6, Nghị định 46/2010/NĐ-CP thì thời gian được hưởng trợ cấp thôi việc là tổng thời gian tính theo năm có đóng bảo hiểm xã hội mà chưa được nhận trợ cấp thôi việc cho công chức, kể cả các khoảng thời gian bị đứt quãng bao gồm:

  • Thời gian làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;
  • Thời gian làm việc trong quân đội nhân dân và công an nhân dân;
  • Thời gian làm việc trong công ty nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
  • Thời gian làm việc theo chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao trong tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
  • Thời gian được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi đào tạo, bồi dưỡng;
  • Thời gian nghỉ được hưởng lương theo pháp luật về lao động;
  • Thời gian nghỉ được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
  • Thời gian bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự mà đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận là oan, sai;
  • Thời gian bị tạm đình chỉ công tác;
  • Thời gian được bố trí làm việc khi hưởng án treo, cải tạo không giam giữ theo bản án hoặc quyết định của Tòa án.

*Thời gian làm việc theo khoản 1 điều này nếu tính tổng ra mà bị lẻ sẽ được làm tròn như sau:

  • Nếu lẻ dưới 3 tháng coi như không tính;
  • Nếu lẻ từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng thì được tính là một phần hai năm làm việc;
  • Nếu lẻ từ trên 6 tháng đến 12 tháng thì được tính là một năm làm việc.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết điều kiện cách tính trợ cấp thôi việc cho công chức, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về pháp luật, bạn có thể liên hệ tới Văn phòng Luật DFC qua hotline Tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6512 để được tư vấn trực tiếp, miễn phí.

Xem thêm: Điều kiện, cách tính trợ cấp thôi việc đối với viên chức

Xin cảm ơn!
LS. Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.