Có được xin nghỉ trong thời gian thử việc không?

Luật Sư: Lê Minh Công

14:45 - 15/09/2020

Có thể xin nghỉ trong thời gian thử việc không? Nếu tự ý nghỉ việc trong thời gian thử việc thì sẽ phát sinh những chuyện gì? Cần nắm rõ những gì khi phát sinh những chuyện như này? Cùng Công ty Luật DFC tìm hiểu chi tiết với bài viết dưới đây.

Có được xin nghỉ trong thời gian thử việc

Trong quan hệ lao động hiện nay trước khi giao kết hợp đồng lao động người sử dụng lao động thường yêu cầu người lao động tiến hành làm thử công việc trong thời hạn được pháp luật quy định. 

Điều này là có lợi cho cả người lao động cũng như người sử dụng lao động. Đối với người sử dụng lao động đây là bước đánh giá ứng viên để có thật sự phù hợp với yêu cầu của mình không trước khi rằng buộc vào một quan hệ lao động với nhiều nghĩa vụ hơn. Đối với người lao động cũng như vậy, đây là cơ hội để họ trải nghiệm môi trường làm việc, công việc cụ thể để ra quyết định có nên gắn bó với công việc này lâu dài hơn thông qua một hợp đồng lao động chính thức.

Vì những lý do nêu trên, trong thực tế hợp đồng thử việc có khả năng kết thúc trước thời hạn là rất lớn. Vậy việc chấm dứt hợp đồng như thế nào, xin nghỉ trong thời gian thử việc có cần phải báo trước hay việc tự ý chấm dứt có phát sinh nghĩa vụ gì không là những vấn đề bạn đọc rất cần phải năm rõ. 

Để bạn đọc có những góc nhìn khái quát về vấn đề này chúng tôi xin đưa ra giải đáp cho tình huống thực tiễn do một khách hàng đã đặt ra cho đội ngũ tư vấn Công ty Luật DFC chúng tôi.

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi là Bùi Tú, tôi có câu hỏi muốn được Luật sư trả lời như sau. Gần đây, tôi có ứng tuyển và được nhận vào vị trí chăm sóc khách hàng của ngân hàng Vietinbank tại chi nhánh ở Hà Đông. Bên tuyển dụng đề nghị tôi ký hợp đồng thử việc 1 tháng, tôi đồng ý giao kết nhưng làm được 10 ngày thì tôi có được chú ruột giới thiệu sang một công ty khác phù hợp với định hướng phát triển của tôi hơn. Bây giờ tôi muốn xin nghỉ trong thời gian thử việc tại Vietinbank thì có cần báo trước không? Việc tự ý nghỉ việc trong thời gian thử việc có bị sao không? Tôi xin cảm ơn!

Luật sư DFC trả lời:

Chào bạn, với câu hỏi của bạn đội ngũ Luật sư tư vấn Luật lao động - Công ty luật DFC xin được trả lời như sau:

1. Xin nghỉ trong thời gian thử việc có cần báo trước không?

Theo quy định tại khoản 2, Điều 29, Bộ luật lao động 2012 thì trong thời gian thử việc các bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà các bên thỏa thuận. 

Như vậy, với câu hỏi xin nghỉ trong thời gian thử việc của bạn thì bạn hoàn toàn có thể nghỉ việc mà không cần báo trước cho bên tuyển dụng. Tuy nhiên bạn phải lưu ý khi chấm dứt hợp đồng lao động bạn phải thông báo ngay cho bên người sử dụng lao động về việc chấm dứt này, căn cứ theo quy định tại khoản 2, Bộ luật dân sự 2015. Nếu không thông báo mà gây thiệt hại cho bên người sử dụng lao động thì phải bồi thường.

2. Tự ý nghỉ việc trong thời gian thử việc có sao không?

Việc tự ý nghỉ việc trong thời gian thử việc của bạn đồng nghĩa với việc bạn đang đơn phương chấm dứt hợp đồng thử việc mà bạn đã ký kết với bên sử dụng lao động. Tuy nhiên việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này không trái với quy định của pháp luật theo quy định tại khoản 2, Điều 29, Bộ luật lao động 2012 do đó bạn sẽ không phải tiến hành bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, vì bạn đã làm việc 10 ngày theo hợp đồng nên bạn có quyền yêu cầu bên tuyển dụng trả lương cho bạn tương đương với mức lương mà hai bên thỏa thuận khi giao kết hợp đồng căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 428, Bộ luật dân sự 2015:

“Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện”

Theo quy định của luật lao động hiện hành, mức lương trong thời gian thử việc phải ít nhất bằng 85% mức lương khi giao kết hợp đồng lao động. 

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi liên quan đến câu hỏi của bạn Bùi Tú. Nếu quý bạn đọc còn có gì vướng mắc về vần đề xin nghỉ trong thời gian thử việc hay tự ý nghỉ việc trong thời gian thử việc có thể liên hệ Tổng đài tư vấn luật miễn phí 19006512 để được giải đáp mọi thắc mắc về pháp luật lao động.

Xin cảm ơn!
LS. Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.