Tranh chấp trong Hợp đồng mua bán của các Doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

Luật Sư: Lê Minh Công

16:58 - 06/04/2020

Luật sư DFC trong hơn 15 năm tham gia giải quyết tranh chấp cho các Tổ chức, Doanh nghiệp cả nước nói chung và ở Tp Hồ chí Minh nói riêng nhận thấy: Rất nhiều các lỗi, các vi phạm xảy ra trong quá trình các bên thực hiện hợp đồng mua bán. Nếu một thương vụ mua bán gặp phải những vấn đề sau đây sẽ là nguy cơ và là nguyên nhân phát sinh tranh chấp rất lớn.

Luật sư DFC với 15 năm tham gia giải quyết tranh chấp cho các Tổ chức, Doanh nghiệp cả nước nói chung và ở Tp Hồ chí Minh 

1. Vấn đề về chất lượng, chủng loại và số lượng hàng hóa

Chất lượng và số lượng hàng hóa được coi là vấn đề trọng yếu của tất cả các hợp đồng mua bán. Xuất phát từ mục đích lợi nhuận hoặc do các nguyên nhân khác tác động, người bán đã vô ý hoặc chủ ý cung cấp cho người mua hàng không đúng chủng loại, chất lượng và số lượng như thỏa thuận ban đầu. Đây là việc làm hệ trọng, là nguyên nhân xảy ra xung đột, tranh chấp nếu các bên không thỏa hiệp tháo gỡ. Thông thường, nếu bên bán là doanh nghiệp uy tín, biết coi trọng hình ảnh và thương hiệu của mình thì sẵn sàng tìm mọi phương án khắc phục, giải quyết. Mặc dù bên bán phải chấp nhận mất thời gian, mất thêm chi phí nhưng họ vẫn cố gắng xử lý để giải quyết thiệt hại cho bên mua và giữ lấy uy tín chất lượng sản phẩm. Ngược lại, có nhiều doanh nghiệp do tính toán vấn đề thiệt hơn khi phải mất thêm chi phí phát sinh do việc đổi hàng, thậm chí còn phải đối mặt với những chế tài, điều khoản phạt từ bên mua. Cho nên, không ít doanh nghiệp bán hàng từ chối giải quyết; họ không chấp nhận, đã từ cố tình trì hoãn, dây dưa và cố gắng  đưa ra những chứng cứ để bao biện cho hành vi của mình.

Một vấn đề gây phức tạp và khó khăn cho bên mua trong quá trình giải quyết tranh chấp đó là việc các bên thỏa thuận hợp đồng rất chung chung, thiếu chặt chẽ. Nhất là đối với thỏa thuận về chủng loại, chất lượng hàng hóa. Thông thường khi làm hợp đồng kinh tế, do các bên chủ quan hoặc do tin tưởng đối tác nên bên mua không yêu cầu bên bán mô tả chi tiết rõ chủng loại, chất lượng hàng hóa; nhất là hàng hóa có nhiều yếu tố kỹ thuật được cấu thành bởi các thành tố lý hóa học. Khi tranh chấp, thường không đủ căn cứ, cơ sở để đối chiếu, so sánh nên gây ra nhiều bất lợi cho bên mua hàng.

Bởi vậy, trong hợp đồng mua bán khi gặp vấn đề về chất lượng chủng loại hàng hóa nếu bên bán không thiện chí sẽ có nguy cơ rất lớn dẫn đến tranh chấp xảy ra giữa các bên. Tranh chấp này thường mất nhiều thời gian và tốn nhiều chi phí khi giải quyết. Do đó lời khuyên của luật sư DFC là chúng ta nên cẩn trọng, xem xét thấu đáo về quy định chất lượng, chủng loại trong hợp đồng trước khi đặt bút ký. Có như vậy mới hạn chế được mâu thuẫn xung đột và giảm thiệt hại cho bên bán khi xảy ra tranh chấp.

2. Giao hàng không đúng, đủ theo thỏa thuận

Trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh nói riêng và trên phạm vi toàn quốc nói chung; năng lực của các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ là có hạn. Song trong quá trình kinh doanh  vì doanh thu, lợi nhuận họ sẵn sàng đồng ý nhận tiền đặt cọc của nhiều người mua cùng thời điểm. Khi nhận tiền đặt cọc, họ sẵn sàng cam kết đủ khả năng cung ứng sản lượng hàng hóa như thỏa thuận. Đến thời điểm giao hàng, do thực tế năng lực sản xuất không có, nên hàng không đủ hoặc thậm chí không có để giao. Nhiều người mua đã chấp nhận, đợi chờ hết lần này đến lần khác được lấy được hàng. Nhưng cuối cùng, người mua vẫn nhận được câu trả lời hết hàng và chấp nhận chờ đợi cơ hội người bán hoàn trả lại tiền.

Nguyên nhân không có hàng là do người bán thì người mua không phải lo lắng về yếu tố pháp lý. Nếu trường hợp, thiếu hàng là do người mua thay đổi thiết kế mẫu mã hàng hóa (mặc dù việc thay đổi này đã được bên bán đồng ý trước khi nhận tiền đặt hàng) thì sự việc sẽ không đơn giản. Người bán khi đó sẽ quanh quẩn, viện nhiều lý do khác để từ chối không muốn trả lại tiền. Theo pháp luật quy định, bên bán nhận tiền đặt cọc mà không thực hiện giao hàng sẽ phải chịu phạt 200% giá trị tiền đặt cọc. Chính điều này càng khiến người bán không muốn trả tiền và chịu phạt cọc.

Trong tất cả các nguyên nhân phát sinh tranh chấp giữa các doanh nghiệp, nhận đặt tiền cọc mà không giao hàng là nguyên nhân dễ gây tranh chấp và gây bức xúc cho đối tác nhiều nhất. Người mua bị vào trường hợp này thường rất bực tức, phẫn nộ do đó mâu thuẫn của các bên có thể lên đến đỉnh điểm. Do đó, theo lời khuyên của luật sư DFC, để hạn chế rơi vào trường hợp tiền giao trước mà không lấy được hàng là cần phải thẩm tra, xác minh năng lực của bên bán trước khi ký hợp đồng. Và cách tốt nhất nên tìm những đối tác doanh nghiệp lớn, chất lượng mặc dù giá cả sản có cao hơn đôi chút nhưng bù lại phương pháp làm việc chuyên nghiệp và luôn coi trọng uy tín thương hiệu.

3. Vấn đề thanh toán chậm tiền hàng

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc chiếm dụng vốn, thanh toán chậm thường xảy ra phổ biến không chỉ ở các Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh mà ở khắp trên phạm vi cả nước. Đó là tình trạng sau khi nhận đủ hàng bên mua đã không thanh toán hoặc thanh toán không đúng giá trị hàng hóa thực nhận. Không nhận đủ tiền hàng từ bên mua, bên bán phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro, chịu thiệt hại về tài chính; trong khi các khoản phải chi trả cho đơn vị cung ứng đầu vào, tiền lãi vay vân ngân hàng, tiền chi phí hoạt động sản xuất ngày một tăng... Sau bán hàng khoảng thời gian nhất định, nếu không nhận được đủ tiền hàng, bên bán phải cố gắng tìm mọi phương án để thu hồi tiền. Trường hợp  bên mua có thiện chí thanh toán thì không vấn đề; ngược lại, bên mua vẫn cố tình trây lỳ, tìm kiếm mọi lý do để trì hoãn thì xung đột mâu thuẫn của các bên rất dễ nảy sinh. Đó là nguyên cớ chủ yếu và rất dễ phát sinh tranh chấp đối với các bên.

Trong quá trình hành nghề, Luật sư DFC nhận thấy nhiều đơn vị bán hàng khi bị rơi vào tình trạng bị chiếm dụng vốn, đã để cho vụ việc bị kéo dài, không tìm cách giải quyết dứt điểm. Doanh nghiệp vẫn tin vào lời cam kết của bên mua; do bên mua vẫn hứa hoặc có thanh toán nhưng trả theo kiểu nhỏ giọt, từng ít một. Khi bên mua đã lâm vào tình trạng mất cân đối tài chính, không có khả năng năng thanh toán, lúc đó bên bán mới sốt sắng tìm kiếm giải pháp tháo gỡ thì đã không còn cơ hội.

Theo quan điểm của luật sư DFC, vấn đề thanh toán tiền bán hàng luôn là yếu tố quan trọng của mọi giao dịch giữa các Doanh nghiệp. Nếu bị hoặc có dấu hiệu bị chiếm dụng vốn thì chúng ta cần sáng suốt và có giải pháp xử lý kịp thời ngay trong quá trình thực hiện hợp đồng. Nếu để thực hiện xong hợp đồng  mới có giải pháp thì sự việc sẽ trở phức tạp và khó khăn. Khi đó tranh chấp, mâu thuẫn giữa hai bên rất dễ xảy ra và sự thiệt hại là không thể tránh khỏi.

Tóm lại, giao hàng không đúng chất lượng, chủng loại; nhận đặt cọc mà không giao hàng và thanh toán tiền hàng không đúng với thỏa thuận là ba nguyên nhân phổ biến và dễ gây ra tranh chấp nhiều nhất trong hoạt động mua bán giữa các Doanh nghiệp. Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là khu vực kinh tế sôi động nhiều nhất cả nước, tập trung nhiều nhất các giao dịch mua bán, trao đổi giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, tự bản thân các doanh nghiệp phải trang bị kiến thức pháp lý, cẩn trọng trong giao dịch và chắc chắn khi ký kết thực hiện hợp đồng. Nếu các yếu tố này chưa đảm bảo tốt nhất Doanh nghiệp cần tìm đến sự hỗ trợ của các Luật sư chuyên nghiệp, có như vậy mới giúp Doanh nghiệp hạn chế được cải rủi ro, giảm thiểu tối đa những thiệt hại phát sinh khi tranh chấp xảy ra.  

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.