Trước tình hình dịch bệnh Covid 19 đang có những diễn biến hết sức căng thẳng và phức tạp, nhất là ở các địa phương có mật độ dân cư cao như ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh sử dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thông dụng cho người dân như thực hiện giãn cách xã hội, lập chốt kiểm dịch … thì người dân ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khi ra khỏi nhà cần xuất trình giấy tờ cần thiết để được đi đường.
Vậy các giấy tờ cần xuất trình khi đi đường tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bao gồm những giấy tờ nào? Đội ngũ Luật sư của Công ty Luật DFC xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
>> Ngành nghề được phép hoạt động theo chỉ thị 16 /CT-Ttg trong đợt giãn cách tại thành phố hồ chí minh
Những loại giấy tờ nào cần xuất trình khi đi đường tại Hà Nội và TP. HCM? - DFC: 1900.6512
Tại Hà Nội, vào ngày 07/8/2021, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 2562/UBND-KT, trong đó yêu cầu người đi đường xuất trình Giấy đi đường kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, sau khi ban hành, một số nội dung tại văn bản chưa được các cơ quan, đơn vị thống nhất cách hiểu dẫn đến còn lúng túng trong triển khai thực hiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Để tháo gỡ vướng mắc trên trong công tác đối phó dịch bệnh, ngày 10/8/2021, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có Thông báo số 577/TB-UBND Về triển khai các chỉ đạo tại Công văn 2562/UBND-KT. Trong đó, có quy định chi tiết làm rõ về những loại giấy tờ mà người dân cần xuất trình khi đi đường. Cụ thể như sau:
* Đối với người đi đường: xuất trình giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) kèm theo Giấy đi đường (mẫu Giấy đi đường đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29/7/2021).
* Đối với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương trên địa bàn Thành phố; Cơ quan ngoại giao, Tổ chức quốc tế trên địa bàn Thành phố; các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội thuộc Thành phố: Người đứng đầu đơn vị cấp Giấy đi đường và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch (như đã nêu tại Mục 2 và Mục 3 Công văn số 2562/UBND-KT ngày 07/8/2021).
* Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố đã nêu tại Mục 5 của Công văn số 2562/UBND-KT ngày 07/8/2021: Thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị cấp Giấy đi đường cho người lao động và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch.
Trong đó, để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về giãn cách của các đơn vị trên địa bàn và tiến hành hậu kiểm khi cần thiết, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tổng hợp danh sách người lao động của đơn vị cần lưu thông trên đường, kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo các yêu cầu và quy định vè phòng chống dịch và gửi đến Ủy ban Nhân dân cấp phường, xã để được xác nhận (người đi đường không cần xuất trình các giấy tờ này).
>> Trường hợp nào sẽ được ra ngoài sau 18h tối tại TP. HCM
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ. Tiếp đó, với tình hình dịch bệnh ở địa phương này vẫn có những căng thẳng và chưa cho thấy có dấu hiệu “hạ nhiệt”, với mục đích đảm bảo cho việc hạn chế việc tiếp xúc, đi lại phục vụ cho công tác phòng – chống dịch vào ngày 28/07/2021, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 2522/UBND-VX Về kiểm soát việc di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Khu vực trước cổng UBND TP Hồ Chí Minh vắng bóng
Theo Công văn số 2522/UBND-VX quy định một số đối tượng được phép ra khỏi nhà và lưu thông trên đường nhưng cần xuất trình các loại giấy tờ hợp pháp bên cạnh trang phục nhận diện như sau cho cơ quan chức năng có thẩm quyền phòng – chống dịch, cụ thể:
* Đối với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Thành phố:
- Đối với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước: đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị (gọi chung là thẻ công chức), thẻ ngành hoặc mặc đồng phục ngành, kết hợp với văn bản xác nhận hoặc phân công công tác của cơ quan, đơn vị trong quá trình di chuyển giữa trụ sở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội: đeo thẻ công chức hoặc sử dụng thẻ công tác (ghi rõ họ tên, đơn vị công tác, địa chỉ nơi cư trú, đóng giáp lai ảnh với thẻ), kết hợp với văn bản xác nhận hoặc phân công công tác của cơ quan, đơn vị trong quá trình di chuyển giữa trụ sở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
- Riêng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi làm bằng xe ô tô cá nhân thì phải có thêm giấy xác nhận công tác (màu xanh dương đối với người làm nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị và màu đỏ đối với lực lượng làm công tác/hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; kích thước 20cm x 20cm do cơ quan, đơn vị cấp (ghi rõ họ tên, đơn vị công tác, địa chỉ nơi cư trú, có đóng dấu treo của cơ quan, đơn vị), được dán trên mặt kính trước của xe để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
* Đối với lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, các lực lượng được điều phối để hỗ trợ, phục vụ theo yêu cầu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương (kể cả lực lượng tổ chức và phục vụ tiêm vắc xin): sử dụng thẻ công tác/giấy xác nhận công tác phòng, chống dịch (màu đỏ) do cơ quan, đơn vị cấp để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
* Đối với những người đi tiêm vắc xin: Ngoài giấy mời tiêm hoặc tin nhắn điện thoại, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cấp thẻ/phiếu nhận diện (màu sắc thay đổi hằng ngày) để người đi tiêm vắc xin đeo trên ngực, phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
* Đối với đội ngũ người giao hàng (shipper): Đảm bảo các đặc điểm nhận diện khi lưu thông trên đường theo quy định tại Công văn số 2491/UBND-ĐT ngày 26 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố gồm: ngoài các giải pháp nhận diện hiện nay (đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng...) còn có bảng tên thẻ cứng có hình, xác nhận của doanh nghiệp cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR code; thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ “Shipper” màu trắng.
* Đối với trường hợp người dân đi chợ, siêu thị: Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tổ chức phát phiếu đi chợ, siêu thị cho người dân theo quy định trong đó ghi rõ thời gian đi và các địa điểm chợ, siêu thị, cửa hàng gần nhất để người dân mua sắm.
* Đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến”; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận chuyển phục vụ cung cấp suất ăn cho các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; xe ô tô, xe taxi được huy động để vận chuyển người dân trong các trường hợp cần thiết: được nhận diện theo quy định hoặc đã đăng ký với Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế và cung cấp cho Công an Thành phố và các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
Trên đây là những quy định mới nhất về giấy tờ đi đường cần thiết khi đi đường. Bài viết được biên soạn và cập nhật liên tục từ thành viên của Công ty luật DFC (Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.6512). Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn đọc.
Trân trọng!!!