Chia Sẻ Chi Tiết Tài Liệu Bộ Luật Hình Sự Năm 1985

Luật Sư: Lê Minh Công

10:26 - 23/09/2019

Trong toàn bộ hệ thống luật pháp của nước ta, Bộ Luật hình sự năm 1985 có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó chính là một vũ khí sắc bén của Nhà nước chuyên chính vô sản để có thể bảo vệ được những thành quả của cách mạng, bảo vệ chế độ Xã hội Chủ nghĩa, bảo vệ an ninh trật tự quốc gia - xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đấu tranh phòng ngừa các hành vi vi phạm, giúp hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược đó là: xây dựng thành công chế độ Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

Sau đây văn phòng luật sư tư vấn pháp luật DFC xin gửi tới quý khách bản đầy đủ của bộ luật Hình sự năm 1985 như sau:

Tải bản đầy đủ Bộ luật Hình sự năm 1985: 

Bộ luật hình sự năm 1985

Bộ luật Hình sự năm 1985 này đã và đang kế thừa, phát triển Luật hình sự trước năm 1985 của Nước ta từ thời kỳ Cách mạng tháng Tám cho đến nay, tổng hợp tất cả những kinh nghiệm đấu tranh và phòng chống tội phạm ở nước ta trong nhiều năm qua và những dự kiến các tình hình diễn biễn của tội phạm thời gian tới.

Bộ luật Hình sự năm 1985 thông suốt quyền làm chủ tập thể chế độ Xã hội Chủ nghĩa của nhân dân ta do các giai cấp Công nhân làm người lãnh đạo, thể hiện được tinh thần chủ động và  phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh chống tội phạm; xử phạt người vi phạm, tội phạm không chỉ nhằm trừng trị mà còn là cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội; thể hiện tinh thần nhân đạo của chế độ Xã hội Chủ nghĩa nước ta và niềm tin vào khả năng cải tạo con người theo chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Thực thi nghiêm chỉnh Bộ luật hình sự không chỉ là nhiệm vụ chung của tất cả các cơ quan Nhà nước mà còn là các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân.

PHẦN CHUNG

Chương 1:

ĐIỀU KHOẢN CƠ BẢN

Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự năm 1985.

Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, Bộ luật quy định tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội.

Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự.

Chỉ người nào phạm một tội đã được Luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hình phạt phải do Toà án quyết định.

Điều 3. Nguyên tắc xử lý.

1- Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.

2- Nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, kẻ ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm, kẻ biến chất, sa đoạ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, kẻ phạm tội có tổ chức, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng. Khoan hồng đối với người tự thú, thật thà khai báo, tố giác đồng bọn, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại đã gây ra.

3- Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng và đã hối cải thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội hoặc gia đình giám sát, giáo dục.

4- Đối với người phạt tù thì buộc họ phải chấp nhận hình phạt trong trại giam, phải lao động, cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội. Nếu họ có nhiều tiến bộ thì xét để giảm việc chấp hành hình phạt.

5- Đối với người đã chấp hành xong hình phạt thì tạo điều kiện cho họ làm ăn, sinh sống lương thiện; khi họ có đủ điều kiện do luật định thì xoá án.

Điều 4. Trách nhiệm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

1- Các cơ quan Công an, Kiểm sát, Toà án, Tư pháp và Thanh tra có trách nhiệm thi hành đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội.

2- Các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội có nhiệm vụ giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác cách mạng, ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc cuộc sống xã hội chủ nghĩa; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan, tổ chức mình.

3- Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Chương 2:

PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Điều 5. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1- Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2- Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các hiệp định quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hay công nhận hoặc theo tục lệ quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1- Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này.

Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2- Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các hiệp định quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hay công nhận.

Điều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian.

1- Điều luật áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành khi hành vi ấy được thực hiện.

2- Điều luật quy định một tội phạm mới hoặc một hình phạt nặng hơn không áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó được ban hành, trừ trường hợp luật quy định khác.

3- Điều luật xoá bỏ một tội phạm hoặc quy định một hình phạt nhẹ hơn được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã được thực hiện trước khi điều luật đó được ban hành.

tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí

Chương 3:

TỘI PHẠM

Điều 8. Khái niệm tội phạm.

1- Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ kinh tế và sở hữu xã hội chủ nghĩa, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

2- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên năm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Những tội phạm khác là tội phạm ít nghiêm trọng.

3- Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Điều 9. Cố ý phạm tội.

Cố ý phạm tội là phạm tội trong trường hợp nhận thức rõ hành vi của mình có tính chất gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Điều 10. Vô ý phạm tội.

Vô ý phạm tội là phạm tôi trong những trường hợp sau đây:

  1. a) Người phạm tôi do cẩu thả mà không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước.
  2. b) Người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Điều 11. Sự kiện bất ngờ.

Người thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 12. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

1- Người thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người này sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2- Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng nói ở khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

3- Người phạm tội do say rượu hoặc do dùng chất kích thích mạnh khác thì không được miễn trách nhiệm hình sự.

Điều 13. Phòng vệ chính đáng.

1- Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của chính mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách tương xứng người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2- Nếu hành vi chống trả rõ ràng là quá đáng, tức là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì người có hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 14. Tình thế cấp thiết.

1- Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là phạm tội.

2- Nếu gây thiệt hại rõ ràng là quá đáng, tức là vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người có hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 15. Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt.

1- Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm.

Người chuẩn bị phạm một tội nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự.

2- Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

3- Đối với những hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các Điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng, tuỳ theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

Điều 16. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Tự ý nửa chứng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố của một tội khác thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Điều 17. Đồng phạm.

1- Hai hoặc nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm là đồng phạm.

2- Người thực hành, người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

3- Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

4- Khi quyết định hình phạt, phải xét đến tính chất đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự riêng cho người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đó.

Điều 18. Che giấu tội phạm.

Người nào tuy không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.

Điều 19. Không tố giác tội phạm.

Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.