Thủ tục kết hôn và ly hôn với chồng là người Hàn Quốc

Luật Sư: Lê Minh Công

14:50 - 04/12/2019

Hàn Quốc là một quốc gia nằm tại khu vực Đông Á, là một quốc gia “đồng văn, đồng chủng” có nền văn hóa gần gũi với Việt Nam. Mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc trong những năm qua có nhiều cải thiện và khởi sắc đáng kể.

Đất nước của “xứ sở của Kim Chi” đã thực hiện việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng như đầu tư vào nền kinh tế ở nước ta; nền văn hóa giữa hai nước do đó có những sự du nhập và tiếp thu của nhau. Một trong những hệ quả của sự du nhập ấy là những thế hệ nữ giới của Việt Nam đã thực hiện việc kết hôn với nam giới người Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi không yên ấm trong gia đình thì mâu thuẫn lại xảy ra và ly hôn là một hậu quả tất yếu. Để giải quyết những thắc mắc của bạn về thủ tục kết hôn và ly hôn với chồng là người Hàn Quốc thì Công ty tư vấn luật DFC xin gửi đến bạn đọc bài phân tích về thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài sau đây:

Cơ sở pháp lý

  • Căn cứ vào Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 của Việt Nam;
  • Căn cứ vào Luật Hộ tịch năm 2014 của Việt Nam;
  • Căn cứ vào Nghị định 123/2015/NĐ – CP hướng dẫn Luật Hộ tịch 2014;
  • Căn cứ vào Bộ luật Dân sự của Hàn Quốc;
  • Căn cứ vào Luật Gia đình của Hàn Quốc.

Nội dung tư vấn

1. Về thủ tục kết hôn với chồng là người Hàn Quốc

Việc nữ giới Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc hiện nay không còn là chuyện hiếm, thậm chí đã trở thành một xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, việc kết hôn giữa họ ẩn chứa nhiều thủ tục và giấy tờ pháp lý cần phải làm rõ. Trong đó, một lưu ý mà chúng ta cần biết đó là về nơi diễn ra việc thực hiện đăng ký kết hôn: tại Việt Nam và tại Hàn Quốc bởi sẽ dẫn đến việc áp dụng pháp luật từng nước (Việt Nam và Hàn Quốc) để điều chỉnh mối quan hệ hôn nhân ấy.

1.1 Về thủ tục kết hôn với chồng là người Hàn Quốc tại Việt Nam 

a) Điều kiện kết hôn

Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 của Việt Nam thì nam nữ muốn kết hôn thì phải đáp ứng những điều kiện sau:

  • Nam phải từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ phải đủ từ mười tám tuổi trở lên;
  • Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
  • Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
  • Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

Ngoài ra, nhà nước ta không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

b) Hồ sơ và giấy tờ cần chuẩn bị 

Theo quy định tại Điều 30 của Nghị định số 123/2015/NĐ – CP hướng dẫn Luật Hộ tịch quy định hồ sơ chuẩn bị đăng ký kết hôn theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật Hộ tịch năm 2014 bao gồm:

  • Nữ giới Việt Nam và nam giới Hàn Quốc thực hiện việc điền thông tin vào Tờ khai đăng ký kết hôn;
  • Giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân của nam giới Hàn Quốc là giấy do cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng.

Lưu ý: Trong trường hợp Hàn Quốc không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó. Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của nam giới Hàn Quốc không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014 chỉ có giá trị 6 tháng, kể từ ngày cấp);

  • Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của nam giới Hàn Quốc (giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú);

Nếu bên kết hôn là nữ giới Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn.

Nếu bên kết hôn là nữ giới Việt Nam là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.

c) Trình tự và thủ tục thực hiện

Việc thực hiện lấy chồng người Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ được thực hiện ở Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam là Ủy ban Nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 37 của Luật Hộ tịch năm 2014.

Cũng theo quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014 thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận thấy hồ sơ đủ giấy tờ, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

1.2. Về thủ tục kết hôn với chồng là người Hàn Quốc tại Hàn Quốc

Theo quy định tại Điều 126 Luật Hôn nhân và Gia đinh năm 2014 của Việt Nam thì khi kết hôn có yếu tố nước ngoài thì việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài đó mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và ngược lại. Chính vì vậy, việc nữ giới Việt Nam tiến hành lấy chồng người Hàn Quốc tại Hàn Quốc thì cần tuân thủ pháp luật của Hàn Quốc.

a) Điều kiện kết hôn

Căn cứ vào Luật Gia đình của Hàn Quốc thì các điều kiện để tiến hành kết hôn cũng căn bản giống với các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam như nam – nữ phải đủ tuổi kết hôn; kết hôn tự nguyện không bị ép buộc; không thuộc các trường hợp cấm kết hôn… 

b) Hồ sơ và giấy tờ cần chuẩn bị

Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của nữ giới người Việt Nam: giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là loại giấy tờ được cấp cho những trường hợp đăng ký kết hôn, xin việc... Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cư trú. Khi xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cá nhân xin cấp giấy mang theo chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu và một số giấy tờ khác trong những trường hợp đặc biệt.  Cần lưu ý một số trường hợp đặc biệt sau:

  • Nếu cá nhân đã ly hôn, khi xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cần mang theo bản án hoặc quyết định ly hôn có hiệu lực của cuộc hôn nhân trước;
  • Cá nhân đã có chồng nhưng chồng trước đã mất, khi xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cần mang theo giấy chứng tử hoặc giấy báo tử của chồng trước.

Khi xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, bạn sẽ được cấp tờ khai xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Yêu cầu trong trường hợp này là các bạn điền đầy đủ và chính xác thông tin cá nhân của mình, thông tin của chồng tương lai và nơi đăng ký kết hôn theo như mong muốn của hai bạn. Sau khi điền đầy đủ tờ khai và nộp lại cán bộ tư pháp thì khoảng từ 1 đến 5 ngày sau, bạn sẽ được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Phiếu lý lịch tư pháp: đó là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích. Sở Tư pháp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương nơi cá nhân cư trú có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam. Hồ sơ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp gồm các giấy tờ sau:

  • Tờ khai xin cấp phiếu lý lịch tư pháp;
  • Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp; bản sao sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Giấy khám sức khỏe: Khám tại các bệnh viên lớn hoặc các cơ sở y tế khác. Khám sức khỏe tổng quát có xét nghiệm máu và các bệnh truyền nhiễm. Thông thường có nhiều bệnh viện lớn khám sức khỏe để đăng ký kết hôn với người nước ngoài sẽ cấp giấy tờ song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh), đối với trường hợp này giấy khám sức khỏe sẽ không cần dịch thuật công chứng. Tuy nhiên, nếu giấy khám sức khỏe chỉ có tiếng Việt thì cần dịch thuật công chứng sang tiếng Hàn.

Chứng minh thư nhân dân và sổ hộ khẩu: Hai loại giấy tờ này cần chuẩn bị bản sao y và cần mang bản chính để đối chiếu khi nộp hồ sơ.

c) Trình tự, thủ tục thực hiện 

Một là, dịch thuật công chứng giấy tờ sang tiếng Hàn: Hồ sơ được chấp nhận khi được làm bằng tiếng Hàn hoặc tiếng Anh. Do đó, trước khi nộp hồ sơ xin visa nữ giới người Việt Nam cần dịch thuật tiếng Hàn để đảm bảo hồ sơ của mình không bị sai sót.

Tiếp theo đó, nữ giới người Việt Nam cần hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ: Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ là một bước vô cùng quan trọng trong quá trình đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc. Trước khi hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ tại Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hàn Quốc thì giấy tờ đó cần được chứng nhận lãnh sự tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền chứng nhận lãnh sự giấy tờ Việt Nam gồm Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ một số tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương hoặc Sở Ngoại vụ các tỉnh được Cục Lãnh sự ủy quyền.

Cuối cùng nữ giới Việt Nam cần nộp hồ sơ xin visa kết hôn với chồng là người Hàn Quốc: Hồ sơ xin visa kết hôn nộp tại Đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của Hàn Quốc tại Việt Nam. Cá nhân xin visa kết hôn có thể trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ủy quyền cho tổ chức hoặc cá nhân khác dưới dạng văn bản.

Hoàn tất các bước trên, các bạn sẽ nhận được giấy tờ dùng để đăng ký kết hôn tại Hàn Quốc và visa cô dâu Hàn.

2. Về thủ tục ly hôn với chồng là người Hàn Quốc

Ở bất kỳ quốc gia nào, vấn đề hôn nhân không hạnh phúc và không đạt được mục đích thì vấn đề ly hôn tất yếu cũng sẽ xảy ra. Cũng giống như trường hợp kết hôn kể trên, thì cô dâu người Việt Nam khi lấy chồng Hàn Quốc muốn ly hôn cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật của nước sở tại theo quy định tại Điều 127 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 của Việt Nam.

2.1. Thủ tục ly hôn với chồng là người Hàn Quốc tại Việt Nam 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 127 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 của Việt Nam thì việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.

a) Căn cứ ly hôn

Ly hôn với chồng là người Hàn Quốc mà hai người đang cư trú, sinh sống và làm việc tại Việt Nam thì áp dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết. Trong đó, các căn cứ ly hôn bao gồm ly hôn thuận tình và đơn phương ly hôn.Cụ thể:

  • Ly hôn thuận tình: căn cứ vào Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
  • Đơn phương ly hôn: căn cứ vào Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì Tòa án sẽ giải quyết ly hôn đơn phương thuộc một trong những trường hợp sau: (i) có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được; (ii) trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn; (iii) trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia. 

b) Hồ sơ và giấy tờ cần chuẩn bị

Để thực hiện việc ly hôn giữa cô dâu Việt Nam với chồng là người Hàn Quốc theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

  • Chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc những giấy tờ khác có hiệu lực pháp lý được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam (như hộ khẩu, hộ chiếu…);
  • Đơn yêu cầu xin ly hôn hoặc đơn thuận xác nhận thuận tình xin ly hôn;
  • Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, nếu không có bản chính thì xin cấp lại bản sao y bản chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

    Ngoài ra, cô dâu Việt Nam cần phải chuẩn bị những giấy tờ sau:

  • Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con).
  • Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).
  • Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có)

    Lưu ý: Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự Giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn  tại tòa.

c) Trình tự thủ tục thực hiện việc ly hôn

Bước 1: Nộp hồ sơ hợp lệ về việc xin ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền. Theo Khoản 3 Điều 35 và Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài, cụ thể ở đây là có người Hàn Quốc tham gia thì thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

Bước 2: Trong thời hạn 7-15 ngày, Tòa án kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì Tòa án sẽ gửi thông báo tạm ứng án phí;

Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án;

Bước 4: Tòa án mở phiên hòa giải tại tòa và tiến hành thủ tục ly hôn chồng hàn tại Tòa theo thủ tục sơ thẩm.

2.2. Thủ tục ly hôn với chồng là người Hàn Quốc tại Hàn Quốc

a) Căn cứ ly hôn

Đối với trường hợp ly hôn đơn phương: quy định về các trường hợp được ly hôn đơn phương được nêu ra tại Điều 840 Bộ luật Dân sự của Hàn Quốc bao gồm 6 trường hợp là:

  • Có hành vi không chung thủy với vợ;
  • Có ý đồ ruồng bỏ vợ;
  • Bị đối xử bất công từ chồng hoặc người thân của chồng;
  • Người thân của mình bị chồng đối xử bất công;
  • Không xác định được sinh tử của chồng quá 3 năm;
  • Có lý do nghiêm trọng khiến cuộc hôn nhân không thể tiếp tục.

Lưu ý: Khi muốn ly hôn đơn phương, phải đảm bảo đáp ứng một trong số các điều kiện trên đây nếu không sẽ không được Tòa án chấp nhận giải quyết ly hôn. Pháp luật Hàn Quốc cũng quy định những trường hợp không thể ly hôn là:

  • Không chứng minh được các điều kiện ly hôn theo Điều 840 ở trên;
  • Do các đòi hỏi không đến mức quá đáng;
  • Do ngôn ngữ/văn hóa bất đồng.

Đối với trường hợp thuận tình ly hôn: Ly hôn thuận tình theo pháp luật Hàn Quốc về bản chất cũng có những điểm tương đồng với chế định ly hôn thuận tình theo pháp luật Việt Nam. Theo đó, khi cả hai vợ chồng đều thỏa thuận được với nhau về việc chấm dứt tình cảm cũng như phân chia tài sản, chăm sóc con cái thì có thể yêu cầu Tòa án công nhận cho ly hôn.

b) Hồ sơ và Giấy tờ cần chuẩn bị

  • Đơn xin xác nhận ly hôn thuận tình ly hôn (với trường hợp thuận tình ly hôn) theo mẫu có sẵn do Tòa án cung cấp với đầy đủ chữ ký của 2 vợ chồng;
  • Văn bản thỏa thuận hoặc phán quyết của Tòa án về quyền nuôi con. Văn bản này phải có nội dung chi tiết về người trực tiếp nuôi con, mức cấp dưỡng cho con, quyền thăm con của mỗi bên;
  • Bản chính giấy chứng nhận kết hôn;
  • Bản sao sổ hộ khẩu;
  • Giấy Chứng minh nhân dân của chồng là người Hàn Quốc;
  • Thẻ đăng ký người nước ngoài nếu vợ là người Việt Nam kèm giấy chứng minh việc đăng ký của người nước ngoài (giấy này được cấp tại văn phòng quản lý xuất nhập cảnh).

c) Trình tự và thủ tục giải quyết ly hôn

 Đối với trường hợp thuận tình ly hôn: Bộ luật Dân sự của Hàn Quốc quy định thủ tục như sau:

  • Vợ chồng sẽ nộp hồ sơ ly hôn lên Tòa án. Hai bên chỉ cần ký giấy trên Tòa, trường hợp có tranh chấp thì Tòa án sẽ yêu cầu nộp thêm chứng cứ liên quan hoặc mời người làm chứng ra đối chất;
  • Tòa án yêu cầu cả hai bên có mặt sau khi đã kết thúc quá trình điều tra, thu thập chứng cứ khi không còn gì bổ sung thêm;
  • Trường hợp có con, vấn đề quyền nuôi con, thăm con, chi phí cấp dưỡng, tiền bồi thường, do hai bên thỏa thuận với nhau sau đó trình lên để Tòa án giải quyết. Trường hợp cả hai bên vẫn không thống nhất về quyết định ly hôn hoặc quyền thăm con, nuôi chi phí cấp dưỡng và tiền bồi thường thì tòa sẽ đưa ra quyết định tạm thời;
  • Trong vòng 14 ngày để từ khi khi nhận được quyết định tạm thời, nếu 2 bên không có gì phản đối thì quyết định đó sẽ được xem như là bản tuyên án ly hôn;
  • Sau 14 ngày khi có quyết định cuối cùng của Tòa án, hai bên cần tiến hành xin cấp giấy xác nhận bản án;
  • Hai bên tiến hành đăng ký ly hôn cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
  • Sau 7 ngày kể từ ngày đăng ký ly hôn giấy quan hệ hôn nhân sẽ có nội dung ly hôn được xác nhận.

Đối với trường hợp đơn phương ly hôn:

  • Nộp đơn đề nghị xét ly hôn đơn phương lên Tòa án;
  • Sau khi tiếp nhận đơn của nguyên đơn, Tòa án sẽ liên hệ với bị đơn để thông báo về yêu cầu ly hôn;
  • Tòa án gửi thư triệu tập cho hai bên để tiến hành hòa giải;
  • Trường hợp cần phán xét quyền nuôi con, Tòa án sẽ tiến hành điều tra do nhân viên điều tra tiến hành xem xét các điều kiện của mỗi bên;
  • Khi kết thúc quá trình điều tra, Tòa án sẽ công bố phán quyết tạm thời.

Trong vòng 14 ngày để từ khi khi nhận được quyết định tạm thời, nếu 2 bên không có gì phản đối thì quyết định đó sẽ được  xem như là bản tuyên án ly hôn.

Sau 14 ngày khi có quyết định cuối cùng của Tòa án, hai bên cần tiến hành xin cấp giấy xác nhận bản án.

Thời gian để Tòa án giải quyết ly hôn thuận tình là từ 01 tháng đến 03 tháng. Thời gian để Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương là từ 06 tháng đến 1 năm tùy trường hợp cụ thể.

Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn. Trân trọng!

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.