Những quyền lợi của phụ nữ khi ly hôn gồm những gì

Luật Sư: Lê Minh Công

16:04 - 29/06/2021

Những quyền lợi của phụ nữ khi ly hôn gồm những gì: Chào Luật sư. Tôi và chồng kết hôn năm 2015, chúng tôi có một con chung năm nay 02 tuổi. Cuộc sống hôn nhân của vợ chồng tôi không hạnh phúc, chồng không quan tâm chăm lo cuộc sống gia đình. Dạo gần đây, chồng tôi theo bạn bè nhậu nhẹt, cá độ đá bóng. Tôi không thể tiếp tục cuộc sống hôn nhân với chồng tôi được nữa. Cho tôi hỏi Luật sư, nếu tôi ly hôn với chồng thì những quyền lợi nào tôi được hưởng theo quy định pháp luật ?

Xem thêm: Chồng tôi hay cá độ bóng đá - Tôi có nên ly hôn không?

Những quyền lợi của phụ nữ khi ly hôn gồm những gì
Những quyền lợi của phụ nữ khi ly hôn gồm những gì?

Công ty Luật DFC: Cảm ơn chị đã tin tưởng và  gửi câu hỏi về hòm thư điện tử gmail: luatsudfc@gmail.com của chúng tôi. Đội ngũ Luật sư DFC đã nắm bắt được sự việc của chị và đưa ra thông tin giải đáp. Sau đây là nội dung tư vấn chi tiết:

Do đặc điểm về giới tính mà phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Đặc biệt, khi bước vào cuộc sống hôn nhân người phụ nữ phải hi sinh một khoảng thời gian của mình để sinh con, chịu nhiều vất vả để nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái, đồng thời chăm lo cho cuộc sống của gia đình. Không phải cuộc sống hôn nhân nào cũng được viên mãn và hạnh phúc mãi mãi. Việc xảy ra mâu thuẫn và đi đến ly hôn đang xảy ra một cách phổ biến. Sau khi ly hôn phụ nữ là đối tượng phải gánh chịu nhiều sự thiệt thòi hơn so với người đàn ông. Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam luôn được xây dựng nhằm hướng tới bảo vệ cho các đối tượng yếu thế trong xã hội như trẻ em, người già yếu, phụ nữ mang thai... để cho họ có một cuộc sống bình thường, được đối xử bình đẳng như bao đối tượng khác trong xã hội. Theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình 2014 những quyền lợi của phụ nữ khi ly hôn bao gồm: 

1. Quyền được nuôi con

Căn cứ Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định nếu con dưới 36 tháng tuổi thì người mẹ được trao quyền trực tiếp nuôi con, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc giữa cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Theo như thông tin chị cung cấp, chị có con nhỏ 02 tuổi nên Tòa án sẽ giao trực tiếp quyền nuôi con cho chị, trừ trường hợp chị không đủ điều kiện kinh tế, điều kiện về tinh thần để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái hoặc vợ chồng chị có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

2. Quyền được chia tài sản

Dựa vào Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định rằng tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này. Theo nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn, nếu tài sản của người vợ được xác định là tài sản riêng thì khi ly hôn tài sản này sẽ không phải chia mà thuộc quyền sở hữu riêng của người vợ. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Đối với tài sản chung khi ly hôn, vợ chồng được quyền thỏa thuận trong việc phân chia tài sản. Nếu vợ chồng không thỏa thuận được thì có thể quyền yêu cầu Tòa án phân chia khối tài sản chung khi ly hôn. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch. Về nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng có căn cứ vào hoàn cảnh của gia đình, vợ, chồng, công sức đóng góp. Thêm vào đó, khi phân chia tài sản chung của hai vợ chồng, cần tính đến yếu tố bảo vệ quyền, lợi ích của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Xem thêm: Tài sản đứng tên vợ hoặc chồng khi ly hôn được chia như thế nào?

3. Quyền được cấp dưỡng sau khi ly hôn

Theo quy định tại Luật Hôn nhân gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Trường hợp chị được giao quyền nuôi con sau khi ly hôn thì chồng chị phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con để đảm bảo con của vợ chồng chị có điều kiện về vật chất để phát triển về mọi mặt. Như vậy, chị có quyền yêu cầu cấp dưỡng cho con nếu Tòa giao quyền nuôi con cho chị sau khi ly hôn.

Ngoài ra, Luật Hôn nhân gia đình có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng sau khi ly hôn. Theo đó, khi ly hôn nếu chị gặp khó khăn, túng thiếu trong cuộc sống thì có quyền yêu cầu chồng cấp dưỡng, mức cấp dưỡng tùy theo thu nhập và khả năng thực tế của chồng chị. Trường hợp không thỏa thuận được mức cấp dưỡng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

4. Chồng không được yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai

Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình quy định: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.” 

Như vậy, theo quy định trên thì để bảo vệ quyền lợi người phụ nữ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, pháp luật hôn nhân gia đình hạn chế quyền được yêu cầu đơn phương ly hôn của người chồng trong giai đoạn này. Nhưng pháp luật không hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người vợ đang có thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu người vợ nộp đơn ly hôn Tòa án vẫn thụ lý và giải quyết bình thường.

Dưới đây là nội dung tư vấn của Luật sư DFC về nội dung Những quyền lợi của phụ nữ khi ly hôn gồm những gì? Hi vọng bài viết hữu ích cho trường hợp của chị. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến của chúng tôi theo SĐT 1900.6512 để được các Luật sư trực tiếp giải đáp.

L.S Lê Minh Công

Bài viết liên quan:

Thủ tục và điều kiện ly hôn khi mang thai mới nhất 2020?

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.