Tòa án chấp nhận những nguyên nhân dẫn đến ly hôn nào?

Luật Sư: Lê Minh Công

15:57 - 05/07/2021

Chào Luật sư. Tôi tên H, năm nay 26 tuổi. Do cuộc sống giữa vợ chồng tôi thường xảy ra mâu thuẫn về vấn đề tài chính, chồng tôi đã chuyển ra ở riêng. Nay tôi muốn ly hôn nhưng tôi không biết trình bày nguyên nhân là gì để Tòa giải quyết cho ly hôn. Luật sư tư vấn giúp tôi: Hiện nay, những nguyên nhân nào dẫn đến ly hôn được Tòa án chấp nhận? 

Tòa án chấp nhận những nguyên nhân dẫn đến ly hôn nào?
Tòa án chấp nhận những nguyên nhân dẫn đến ly hôn nào?

Công ty Luật DFC: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi về hòm thư điện tử gmail: luatsudfc@gmail.com của chúng tôi. Đội ngũ Luật sư DFC đã nắm bắt được sự việc của chị và đưa ra thông tin giải đáp về câu hỏi Tòa án chấp nhận những nguyên nhân dẫn đến ly hôn nào? Sau đây là nội dung tư vấn chi tiết:

Căn cứ pháp lý 

Nội dung tư vấn 

1. Hiện nay, thủ tục ly hôn được giải quyết theo 02 trường hợp khác nhau:

Một là, thuận tình ly hôn:

Theo quy định tại Điều 55 Luật HNGĐ 2014 như sau: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”

Đối với ly hôn thuận tình, hầu hết được Tòa án chấp nhận vì hai bên vợ chồng đều đồng thuận, có sự hợp tác trong việc giải quyết ly hôn. Hai bên tự thỏa thuận được với nhau các vấn đề như con chung, cấp dưỡng, tài sản chung và nợ chung mà không yêu cầu Tòa giải quyết. Tòa án sẽ công nhận sự tự nguyện của hai bên và giải quyết cho ly hôn.  

Hai là, ly hôn đơn phương:

Đối với việc ly hôn theo yêu cầu của một bên hay còn gọi là đơn phương ly hôn, việc giải quyết ly hôn đơn phương sẽ khó khăn hơn do một bên còn lại có thể không hợp tác, không đồng ý ly hôn. Yêu cầu ly hôn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, không phải mọi nguyên nhân đều được Tòa án chấp nhận. Bởi vì, quan hệ hôn nhân hợp pháp là hôn nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ nên không thể vì những mâu thuẫn nhỏ mà cho ly hôn. Do đó, Tòa án sẽ căn cứ vào tình trạng hôn nhân của hai bên để xem xét dựa trên những căn cứ bên yêu cầu ly hôn cung cấp.

Theo Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Theo đó, Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn nếu cuộc sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được mà nguyên nhân là do có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

2. Các nguyên nhân dẫn đến ly hôn được Tòa án chấp nhận?

Như vậy, dựa vào quy định của Luật Hôn nhân gia đình thì có ba nguyên nhân chính mà Tòa án có thể chấp nhận cho ly hôn bao gồm: 

2.1. Việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình

Khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.”

Các hành vi bạo lực gia đình gồm có:

  • Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
  • Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
  • Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
  • Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
  • Cưỡng ép quan hệ tình dục;
  • Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
  • Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
  • Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
  • Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

2.2. Có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng

Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng gồm các hành vi như:

  • Vợ chồng không bình đẳng với nhau;
  • Quyền, nghĩa vụ không ngang nhau về mọi mặt trong gia đình và các quyền, nghĩa vụ của công dân theo quy định pháp luật;
  • Hai vợ chồng không tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau;
  • Không thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ;
  • Không cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình;
  • Không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.

2.3. Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.”

Như vậy, người bị Tòa án tuyên bố mất tích được xem là một nguyên nhân Tòa án chấp nhận cho ly hôn nếu vợ hoặc chồng của người đó có yêu cầu.

Với trường hợp của chị, để được Tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn chị cần thỏa thuận với chồng về việc thuận tình ly hôn để chấm dứt mối quan hệ hôn nhân không hạnh phúc. Trường hợp chồng không đồng ý ly hôn, chị có thể nộp đơn yêu cầu ly hôn đơn phương. Việc vợ chồng chị thường xảy ra mâu thuẫn, cả hai sống ly thân là một trong những căn cứ để Tòa xem xét giải quyết cho trường hợp của chị.

Hi vọng bài viết hữu ích cho trường hợp của chị. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn miễn phí của chúng tôi theo SĐT 1900.6512 để được các Luật sư trực tiếp giải đáp.

*Các câu hỏi liên quan

1. Tôi muốn hỏi những tin nhắn trên Facebook mà hai người đó nhắn với nhau có được xem là chứng cứ lúc ra toà để tôi giành quyền nuôi con và giành tài sản hay không?

2. Tôi lấy chồng được 02 năm, thời gian đầu lấy nhau anh ấy vẫn bình thường, yêu thương và chăm lo cho vợ. Tuy nhiên một năm gần đây anh ấy thường xuyên có hành vi đánh đập, chửi bới tôi mỗi khi không hài lòng về một việc nào đó. Tôi bị hành hung trong một thời gian dài và bây giờ tôi không muốn tiếp tục chịu đựng nữa, tôi muốn ly hôn. Kính mong Luật sư có thể tư vấn cho tôi thủ tục ly hôn.

3. Chào Luật sư, tôi kết hôn năm 2004 nhưng đến năm 2011 chồng tôi bỏ nhà đi, từ đó không liên lạc được. Tôi cũng đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không có thông tin gì. Hiện tại tôi muốn tái hôn thì phải làm như thế nào? Cảm ơn Luật sư.

4. Hôm bữa tôi và vợ có mâu thuẫn với nhau, tôi có nói nặng lời với cô ấy một chút, cô ấy tủi thân nên bỏ về nhà ngoại bế luôn cả con đi theo. Vậy luật sư cho hỏi việc cô ấy tự ý mang con đi như vậy có đúng luật không? Tôi có được mang con về không?

 LS. Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.