Mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn phụ thuộc vào yếu tố nào?

Luật Sư: Lê Minh Công

14:52 - 01/07/2021

Thưa Luật sư, tôi và vợ đang giải quyết ly hôn. Trong 05 năm suốt quá trình chung sống chúng tôi sinh được 02 con chung. Vợ tôi muốn nuôi 02 con và tôi cũng đồng ý, nhưng yêu cầu tôi cấp dưỡng mỗi bé 2.000.000 đồng mỗi tháng. Tôi làm công việc là nhân viên giao hàng mỗi tháng chỉ được 7.000.000 đồng. Tôi không thể đáp ứng yêu cầu cấp dưỡng như vậy của vợ cho các con. Luật sư tư vấn giúp tôi: Yêu cầu cấp dưỡng như trên đã hợp lý hay chưa ? Mức cấp dưỡng nuôi con cho trường hợp của tôi có thể căn cứ vào những yếu tố nào?

Xem thêm: Ai có quyền yêu cầu cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn phụ thuộc vào yếu tố nào?|
Mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn phụ thuộc vào yếu tố nào?

Công ty Luật DFC: Cảm ơn anh đã tin tưởng và  gửi câu hỏi về hòm thư điện tử gmail: luatsudfc@gmail.com của chúng tôi. Đội ngũ Luật sư DFC đã  nắm bắt được sự việc của anh và đưa ra thông tin giải đáp về câu hỏi của anh liên quan tới các yếu tố xác định mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn. Sau đây là nội dung tư vấn chi tiết:

Căn cứ pháp lý:

Nội dung tư vấn:

1. Vợ chồng có quyền thỏa thuận về mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn:

Dựa vào quy định tại Điều 110 Luật Hôn  nhân gia đình 2014 thì “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”. 

Đối chiếu vào Khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân gia đình quy định “1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Về mặt quy định pháp luật, vì anh không trực tiếp nuôi con sau ly hôn do đó anh phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mặc dù, vợ yêu cầu anh cấp dưỡng cho mỗi con  2.000.000 đồng/ tháng nhưng anh hoàn toàn có quyền đồng ý hoặc không đồng ý. Hiện nay, Luật Hôn nhân gia đình và các văn bản pháp luật liên quan chưa có một quy định về mức cấp dưỡng cụ thể nào mà người có nghĩa vụ phải cấp dưỡng là bao nhiêu. Pháp luật cho phép vợ chồng anh có quyền thỏa thuận mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn. Trường hợp không thể tự thỏa thuận thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. 

2. Mức cấp dưỡng nuôi con căn cứ vào các yếu tố nào?

Tòa án sẽ xem xét mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn phụ thuộc vào các yếu tố sau:

- Nhu cầu thiết yếu tối thiểu của người được cấp dưỡng. Tòa án sẽ căn cứ vào mức sống trung bình tại địa bàn của các con anh sinh sống như: chi phí ăn uống, học tập, chỗ ở, chi phí khác để đảm bảo cuộc sống cho các con để quyết định mức cấp dưỡng phù hợp.

- Hoàn cảnh sống của người được cấp dưỡng là các con của anh hiện đang sinh sống ở nông thôn hay thành phố. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để xác định mức cấp dưỡng. 

- Nguồn thu nhập và hoàn cảnh của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nguồn thu nhập có thể đến từ tiền lương hàng tháng, thu nhập từ tài sản (cho thuê nhà, mặt bằng hoặc các công trình xây dựng trên đất…). Hoàn cảnh gia đình của anh là một yếu tố mà Tòa án phải cân nhắc. Ví dụ: Anh không có nhà riêng để ở hoặc có người phụ thuộc trong gia đình (phải nuôi dưỡng bố mẹ già yếu không còn khả năng lao động).

Việc yêu cầu mức cấp dưỡng bao nhiêu là quyền của vợ anh. Nhưng được Tòa án chấp nhận hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện về kinh tế và các yếu tố mà chúng tôi đã cung cấp nêu trên để có thể quyết định mức cấp dưỡng mà anh phải có nghĩa vụ thực hiện một cách hợp tình, hợp lý nhất giữa đôi bên. Việc xác định mức cấp dưỡng phù hợp một phần tạo điều kiện phát triển tốt nhất về thể chất, tinh thần cho các con anh về sau này. Đồng thời, nghĩa vụ cấp dưỡng của anh cũng phải được cân đối so với điều kiện của anh, tránh việc quyết định mức cấp dưỡng quá cao dẫn đến cuộc sống của anh không được đảm bảo. 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư DFC về nội dung Mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn phụ thuộc vào yếu tố nào? Hi vọng bài viết hữu ích cho trường hợp của anh. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của chúng tôi theo SĐT 1900.6512 để được các Luật sư trực tiếp giải đáp.

LS. Lê Minh Công

Những câu hỏi có liên quan:

1. Tôi và chồng đã ly hôn được 02 năm, theo bản án ly hôn chồng tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng 1.400.000 đồng/ tháng cho 02 con do tôi trực tiếp nuôi dưỡng. Nhưng mấy tháng vừa rồi anh ta lấy lý do dịch bệnh covid-19 nên mất việc và không có khả năng cấp dưỡng cho các con. Qua thông tin từ mấy người bạn cung cấp cho tôi thì anh ta vẫn đi làm bình thường. Vậy việc từ chối không cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn thì có bị xử lý gì không ?

2. Em và chồng cưới nhau được 8 năm, trong quá trình chung sống chúng em gặp nhiều bất đồng với nhau nên đã quyết định đi đến ly hôn. Khi ly hôn thì Tòa quyết định cho em nuôi con và không yêu cầu chồng cấp dưỡng. Nhưng hiện giờ cuộc sống lại gặp khó khăn, vậy cho em hỏi em có thể yêu cầu chồng cũ của em cấp dưỡng cho con lúc ly hôn không yêu cầu có được không ạ?

3. Tôi và chồng có 01 bé trai được 08 tuổi. Hiện chúng tôi đã ly hôn và tòa án xử cho tôi được nuôi con. Tôi muốn chồng tôi thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thì tôi phải làm đơn như thế nào? Mẫu đơn yêu cầu cấp dưỡng nuôi con ra sao?

4. Vợ chồng tôi chuẩn bị ly hôn và có một con chung hiện nay cháu được 7 tuổi. Vợ chồng tôi quyết định giao con cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng. Vậy, Luật sư cho tôi hỏi thời gian cấp dưỡng nuôi con đến bao nhiêu tuổi thì chấm dứt? Và trong trường hợp vợ tôi không yêu tôi cấp dưỡng nuôi con thì tôi có bắt buộc phải cấp dưỡng hay không ạ? Xin cảm ơn Luật sư!

5. Tôi mới ly hôn vợ, có một con trai 02 tuổi. Chúng tôi ai cũng muốn giành quyền nuôi con nhưng tòa nói vì con dưới 03 tuổi nên được giao cho mẹ nuôi dưỡng. Vợ tôi yêu cầu tôi cấp dưỡng sau ly hôn cho con 2 triệu một tháng. Tôi muốn nuôi con chứ không cấp dưỡng vì điều kiện kinh tế của tôi tốt hơn vợ, có thể chăm sóc con tốt hơn. Tôi muốn hỏi là nếu tôi không cấp dưỡng để vợ tôi thấy khó mà giao con cho tôi nuôi có được không? Nhờ luật sư tư vấn giúp.

6. Tôi và chồng kết hôn năm 2015, do mâu thuẫn, bất đồng quan điểm sống và không còn tiếng nói chung trong cuộc sống nên vợ chồng tôi quyết định ly hôn. Tôi và chồng có hai đứa chung, một bé trai 3 tuổi và một bé gái 06 tuổi. Chúng tôi thỏa thuận là tôi sẽ là người trực tiếp nuôi cả hai con và chồng tôi cấp dưỡng hàng tháng. Vậy xin Luật sư tư trả lời giúp tôi: Vậy tôi có được nuôi cả hai cháu không, mức cấp dưỡng nuôi con tối thiểu 2020 sau khi ly hôn là bao nhiêu? Thời gian cấp dưỡng cho con của chồng tôi đến khi nào thì chấm dứt. Xin cảm ơn Luật sư!

7. Vợ chồng tôi kết hôn tháng 5/2010 trong thời gian vợ chồng chung sống chúng tôi có 1 con sinh năm 2011 và 1 con sinh năm 2015, nhưng cuộc sống không hạnh phúc do chồng tôi thường xuyên bạo lực gia đình, đánh đập mẹ con tôi phải đi viện nhiều lần và hàng xóm can ngăn, tháng 10/2018, 3 mẹ con tôi đi ở nhờ nhà người thân để tránh bị chồng tôi đánh đập, tôi đã yêu cầu ly hôn với chồng tôi và được nuôi 2 con. Vậy, Luật sư DFC cho tôi hỏi, tôi nuôi cả 2 con thì chồng tôi có phải đưa tiền nuôi con hay không?

8. Tôi với chồng đang thỏa thuận về việc ly hôn, chúng tôi đã đồng ý cơ bản các điều kiện để ly hôn thuận tình. Duy chỉ có mức trợ cấp sau ly hôn là chưa thể thống nhất được, chúng tôi có hai con nhỏ vẫn đang đi học một cháu học lớp 8, một cháu học 2. Chồng tôi đã đồng ý giao cả hai đứa bé cho tôi chăm sóc. Tôi đồng ý và yêu cầu mức cấp dưỡng là 8 triệu/tháng cho hai cháu nhưng anh ta từ chối, anh ta đi làm doanh nghiệp lương tháng trên dưới 20 triệu tôi đòi như vậy là còn ít so với thực tế. Vậy xin hỏi Luật sư tư vấn giúp tôi có căn cứ nào để đòi được số tiền cấp dưỡng đó hoặc có thể đòi hơn hay không?

Luật Sư: Lê Minh Công

Luật Sư: Lê Minh Công

Với bề dày kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành tư vấn pháp luật, Luật sư tranh tụng tại Tòa án, Ông Lê Minh Công đã dẫn dắt DFC trở thành một thương hiệu uy tín và chất lượng cho người dân và là một trong những công ty đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn luật qua tổng đài.