Do nhu cầu về cuộc sống, nhu cầu kinh tế mà hiện nay rất nhiều cặp vợ chồng phải sống cảnh mỗi người một quốc gia. Thực tiễn hiện nay các vụ việc ly hôn nguyên nhân bắt nguồn từ việc vợ hoặc chồng đi nước ngoài khiến cho đời sống hôn nhân không còn được bảo đảm hoặc có thể do vợ, chồng không còn đủ tin tưởng nhau nữa.
Ly hôn do chồng ở nước ngoài lâu ngày không về
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về việc Ly hôn do vợ hoặc chồng ở nước ngoài lâu ngày không về, Ban biên tập Công ty Luật DFC đã biên tập và soạn thảo nên các tình huống và cách thức giải quyết để truyền tải kiến thức pháp luật tới bạn đọc, hy vọng nó hữu ích cho bạn đọc.
Em và chồng kết hôn năm 2012 chúng em chung sống với nhau tại quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội, năm 2015 do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chồng em quyết định đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, thời gian đầu chồng em cũng thường xuyên gọi về quan tâm em, tuy nhiên đến khoảng cuối năm 2017 thì gần như chồng em không gọi về quan tâm em nữa, mà em nghe phong phanh anh ấy có người khác bên ấy rồi, em rất buồn và thất vọng và muốn ly hôn với anh ấy, Luật sư xem xét tư vấn cho em đơn phương ly hôn nhanh nhất được không ạ? Em cảm ơn Luật sư.
Rất cảm ơn bạn vì đã tin tưởng và sử dụng dịch vụ tư vấn ly hôn của Công ty Luật DFC.
Về trường hợp của bạn pháp luật Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc ly hôn theo yêu cầu của một bên ( đơn phương ly hôn) như sau:
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Theo đó nếu có căn cứ chứng minh chồng bạn ngoại tình bên nước ngoài thì có thể yêu cầu tiến hành Tòa án giải quyết cho ly hôn, Theo tinh thần Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng quy định của Luật HN&GĐ quy định như sau:
"a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;"
Về hồ sơ đơn phương ly hôn theo quy định của pháp luật gồm có:
- Đơn xin ly hôn hoặc Đơn khởi kiện (theo mẫu của Tòa án);
- Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu; Hộ khẩu (bản sao chứng thực) (nếu không có giấy tờ tùy thân của đối phương thì chuẩn bị giấy tờ của người xin ly hôn).
- Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con).
- Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).
- Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có).
- Nếu người chồng/vợ không thể có mặt tại phiên tòa cần gửi Đơn xin xét xử vắng mặt.
Về thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn khi chồng đang ở nước ngoài của bạn thì theo quy định cụ thể tại các Điều 35, Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì thẩm quyền để tiến hành giải quyết vụ án ly hôn trong trường hợp của bạn khi chồng bạn đang ở nước ngoài và bạn ở Việt Nam thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty luật DFC về trường hợp của một bạn khách hàng tư vấn về vấn đề Ly hôn do chồng ở nước ngoài lâu ngày không về, hy vọng những thông tin chúng tôi truyền tải hữu ích với bạn đọc. Mời bạn đọc liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006512 để được trao đổi trực tiếp với chúng tôi.