Về vấn đề xử lý thủ tục ly hôn, bạn đọc có để lại câu hỏi như sau: "Chào Luật sư. Tôi tên là Hoa, năm nay 30 tuổi. Do mâu thuẫn trong quá trình chung sống với chồng tôi. Nên tôi có nộp đơn ly hôn lên Tòa án nhưng bị trả về với lý do là chưa có xác nhận đã hòa giải ở cơ sở. Vậy thưa Luật sư, theo quy định pháp luật ly hôn có cần hòa giải ở cơ sở không?"
Xem thêm: Có thể thay đổi ý kiến trong biên bản hòa giải ly hôn không?
Ly hôn có cần hòa giải ở cơ sở không?
Cảm ơn bạn tin tưởng gửi câu hỏi về cho đội ngũ Luật Sư DFC chúng tôi. Nội dung tư vấn cho câu hỏi của bạn được chúng tôi gửi đến sau bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố).
Hòa giải được hiểu là có một bên thứ ba đứng ra tiến hành thuyết phục, dùng lời lẽ, sự hiểu biết của người hòa giải để phân tích, dung hòa lợi ích, xoa dịu các xung đột, mâu thuẫn giữa các bên, các bất đồng tồn đọng. Hỗ trợ các bên hàn gắn mối quan hệ giữa vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân, giữa các bên tranh chấp hoặc những người cho là lợi ích của mình bị xâm phạm với nhau.
Theo Điều 52 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc hòa giải ở cơ sở theo đó “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”
Pháp luật Hôn nhân gia đình xây dựng một điều luật riêng để nhằm khuyến khích các bên lựa chọn hòa giải ở cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong quá trình hôn nhân. Không bắt buộc hai bên phải hòa giải cơ sở tại UBND cấp xã (Phường). Khi một trong hai bên vợ, chồng muốn ly hôn thì nộp đơn tại Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết ly hôn. Sau khi Tòa án thụ lý đơn thì bên có yêu cầu thực hiện nộp tạm ứng án phí và Tòa án tiến hành việc hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự.
Như vậy, việc Tòa án yêu cầu bạn phải có xác nhận đã hòa giải ở cơ sở mới thụ lý đơn là không đúng quy định pháp luật. Nhà nước chỉ đưa ra quy định khuyến khích các bên thực hiện hòa giải ở cơ sở nhằm tìm ra cách thức giải quyết mâu thuẫn, hàn gắn mối quan hệ vợ, chồng. Qua đó cũng giảm tải cho Tòa án trong việc giải quyết các yêu cầu ly hôn khi mâu thuẫn giữa hai bên chưa quá trầm trọng. Bạn có quyền khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại hoặc viện dẫn các quy định pháp luật nêu trên để giải thích cho người tiếp nhận đơn của bạn để được giải quyết.
Hi vọng bài viết của chúng tôi hữu ích cho trường hợp của bạn. Nếu có bất kỳ thắc mắc vui lòng liên hệ về Tổng đài tư vấn theo SĐT 1900.6512 để được các Luật sư tư vấn luật hôn nhân và gia đình miễn phí. Trân trọng!
L.S Lê Minh Công
DFC Chuyên Gia Tâm Lý Hôn Nhân Gia Đình Hàng Đầu Hiện Nay