Có rất nhiều câu hỏi gửi về cho Luật sư DFC về vấn đề đi làm việc ở nước ngoài sau đó muốn ly hôn nhưng không thể về Việt Nam để làm thủ tục được. Vì vậy, Luật sư DFC sẽ giải đáp một số câu hỏi về vấn đề này để mọi người hiểu hơn về thủ tục.
Xem thêm: Chồng đi nước ngoài xuất khẩu lao động, đòi ly hôn vợ
Thủ tục ly hôn khi đang ở nước ngoài không về được
Chào Luật sư, tôi là H, hiện đang sống tại Bangladesh. Tôi đã làm việc được ở bên này 3 năm. Trước khi qua đây, tôi đã có vợ và con tại Nghệ An. Tuy nhiên vợ chồng xa nhau đã lâu, tình cảm cũng không còn được như trước. Tôi và vợ cũng đã lâu không còn nói chuyện với nhau, chúng tôi không còn tìm được tiếng nói chung nữa. Tôi cảm thấy khó để tiếp tục cuộc hôn nhân này vì vậy tôi muốn ly hôn. Nhưng tôi không về Việt Nam được. Vậy không biết tôi phải làm thế nào?
Luật sư tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Công ty luật DFC. Đối với vấn đề của bạn, xin được giải đáp như sau:
Trong trường hợp bạn và vợ đã kết hôn ở Việt Nam, hiện nay bạn đã đi nước ngoài làm việc và giờ muốn ly hôn. Nếu bạn và vợ có thể thỏa thuận được với nhau về chuyện ly hôn và những vấn đề liên quan như tài sản và con cái thì bạn có thể làm thủ tục thuận tình ly hôn.
Đầu tiên, bạn cần làm đơn thuận tình ly hôn và xin xét xử vắng mặt, trong đơn thể hiện đầy đủ 4 nội dung chính: đồng ý ly hôn với vợ tại Việt Nam, nguyện vọng, yêu cầu về nuôi con chung, phân chia tài sản chung và yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn vắng mặt.
Lưu ý, đơn này phải có xác nhận của công chứng viên tại Bangladesh ký tên sau đó gửi đến Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Banladesh để hợp pháp hóa lãnh sự, xong rồi gửi về Việt Nam.
Nếu bạn không về được Việt Nam để giải quyết thủ tục ly hôn, sau khi nhận được đơn xin ly hôn vắng mặt của bạn, Tòa án sẽ tiến hành đưa vụ án ra xét xử. Xét xử xong Tòa án sẽ gửi bản án cho bạn và hướng dẫn nếu đồng ý với bản án của Tòa thì làm đơn cam kết không kháng cáo. Đơn này cũng phải công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự như trên. Sau khi có cam kết không kháng cáo, Tòa án sẽ cấp bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật cho cả hai bên.
Trong trường hợp bạn và vợ không thể thống nhất việc ly hôn thì bạn có thể nộp đơn xin ly hôn đơn phương, đơn này cũng cần được hợp pháp hóa lãnh sự tại Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Bangladesh. Kèm theo đó bạn làm đơn xin xét xử ly hôn vắng mặt, đơn xin vắng mặt tại phiên hòa giải, đơn đề nghị giải quyết vắng mặt tại Tòa án. Hồ sơ này sau đó gửi về Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An để thụ lý. Sau đó, nếu hồ sơ đầy đủ thì Tòa sẽ gửi thông báo và hướng dẫn đóng tạm ứng án phí.
Chào Luật sư, tôi tên P.T.H. Tôi và vợ kết hôn tại Mỹ, hiện nay vợ tôi đã về Việt Nam sinh sống tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam còn tôi vẫn tiếp tục làm việc tại Mỹ và đã có thẻ xanh. Sau khoảng thời gian xa cách khá lâu, chúng tôi đều cảm thấy tình cảm nhạt dần.
Hiện nay cả tôi và vợ đều có người mới. Vì thế chúng tôi muốn giải thoát cho nhau, tuy nhiên chúng tôi không biết làm thủ tục thế nào và tôi cũng không về Việt Nam được trong thời điểm dịch bệnh Covid này. Nhờ luật sư giúp đỡ.
Luật sư tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Công ty luật DFC. Chúng tôi xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau.
Vì bạn và vợ đã kết hôn tại Mỹ, nên bạn có thể làm thủ tục ly hôn theo pháp luật Mỹ, nơi các bạn đã đăng ký kết hôn. Trong trường hợp bạn muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức hóa lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi sau đó mới nộp đơn xin ly hôn.
Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
- Đơn xin ly hôn;
- Bản sao CMND (Hộ chiếu);
- Bản sao Hộ khẩu;
- Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn;
- Bản sao giấy khai sinh của các con.
*Đơn xin ly hôn vắng mặt của bạn trong đó phải thể hiện 4 nội dung chính:
- Đồng ý ly hôn với vợ tại Việt Nam;
- Nguyện vọng, yêu cầu về nuôi con chung;
- Phân chia tài sản chung;
- Yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn vắng mặt.
Lưu ý, đơn này phải có xác nhận của công chứng viên tại Mỹ sau đó gửi đến Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ để hợp pháp hóa lãnh sự, xong rồi gửi về Việt Nam.
Toàn bộ hồ sơ trên được gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam nơi vợ bạn đang sinh sống.
Thời gian để Tòa án giải quyết khoảng 4-6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Trên đây là tư vấn của Công ty luật DFC về trường hợp ly hôn khi ở nước ngoài không về được. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, mọi người có thể gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6512 để được giải đáp chính xác, nhanh chóng và miễn phí.
LS. Lê Minh Công