Việc ly hôn, kiện tụng mất khá nhiều thời gian, nhiều người không muốn tham gia phiên tòa xét xử, vậy có được ủy quyền cho luật sư giải quyết ly hôn? Thủ tục cần phải thực hiện như thế nào?
Xem thêm: Những thủ tục ly hôn thuận tình nhưng vắng mặt mới nhất
Có thể ủy quyền cho luật sư giải quyết ly hôn không?
Hỏi: Chào Luật sư, Hiện tại tôi đang làm thủ tục ly hôn với chồng tôi, nhưng tôi đang đi làm xa không có thời gian làm thủ tục ly hôn tại quê. Luật sư tư vấn giúp tôi về việc làm giấy ủy quyền cho Luật sư giải quyết ly hôn?
Luật sư tư vấn: Chào chị, Đối với câu hỏi của chị Luật sư Công ty tư vấn luật DFC đưa ra tư vấn như sau:
Hiện nay rất nhiều trường hợp các cặp vợ chồng thực hiện ly hôn nhưng không muốn tự mình làm thủ tục tại Tòa án, vì thủ tục ly hôn kéo dài khá lâu đặc biệt là khi đơn phương ly hôn.
Để biết việc ủy quyền cho luật sư giải quyết ly hôn có hợp pháp không cần căn cứ vào quy định của pháp luật. Ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó một bên nhờ bên còn lại thực hiện một hoặc một số công việc nhân danh mình, khi đó bên ủy quyền sẽ chịu trách nhiệm về các hành vi của bên được ủy quyền trong phạm vi ủy quyền. Hoạt động ủy quyền vẫn diễn ra thường xuyên ở nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, không phải công việc nào cũng có thể ủy quyền cho người khác thực hiện, theo quy định của pháp luật trong một số trường hợp không được ủy quyền, Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình họ là người đại diện”.
Trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha, mẹ người thân thích khác có thể yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Nếu chị không thuộc trường hợp trên, thì khi Tòa án giải quyết ly hôn chị không được ủy quyền cho luật sư giải quyết ly hôn hoặc tham gia các thủ tục cho người khác. Nếu chị thuê luật sư hay người nào đó tham gia bảo vệ mình trong việc giải quyết tranh chấp của chị tại Tòa án thì người này sẽ là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị, người này chỉ cùng chị tham gia phiên tòa không thể thay mặt chị tham gia nêu ý kiến, quyết định về việc chị có ly hôn hay không.
Pháp luật quy định như vậy là vì việc ly hôn hay kết hôn là mối quan hệ nhân thân giữa hai vợ chồng, gắn liền với mỗi cá nhân vợ chồng, không thể chuyển giao cho người khác, không thể để người khác quyết định thay mình, chỉ có người trong cuộc hôn nhân mới có quyền nêu ý kiến về vấn đề này. Vì vậy chị không thể ủy quyền cho luật sư giải quyết ly hôn.
Trường hợp của chị, nếu chị không có thời gian tham gia thủ tục ly hôn tại Tòa án, khi Tòa án gửi giấy triệu tập chị có thể làm đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Trong đó trình bày lý do không thể tham gia, nguyện vọng của chị trong việc giải quyết vụ án để Tòa án xem xét giải quyết vấn đề của mình. Nếu chị không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt và chị là nguyên đơn trong vụ án, khi Tòa án triệu tập lần thứ hai mà chị không có mặt thì Tòa án sẽ cho rằng chị từ bỏ quyền khởi kiện và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư về vấn đề ủy quyền cho luật sư giải quyết ly hôn mà bạn gửi tới Công ty tư vấn luật DFC. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ qua Email: luatsudfc@gmail.com hoặc gọi điện tới Tổng đài tư vấn hôn nhân gia đình 1900.6512 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.
LS. Lê Minh Công