Lúc ly hôn, đề xuất mức cấp dưỡng thấp quá, hiện tại muốn thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con thì làm như thế nào? Mức cấp dưỡng có thể do các bên thỏa thuận hoặc căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của con; nếu không thương lượng, thỏa thuận được về việc thay đổi này thì một bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con
Quan hệ cấp dưỡng là một quan hệ pháp luật về tài sản gắn liền với nhân thân vì nó liên quan đến những lợi ích về tài sản. Quan hệ cấp dưỡng chỉ phát sinh khi có những điều kiện nhất định, tức là khi quan hệ nuôi dưỡng không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ. Khi ly hôn, con chưa thanh niên được cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng. Khi đó, nghĩa vụ cấp dưỡng phát sinh nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất tối thiểu cho cuộc sống của người được cấp dưỡng.
Khi tòa án giải quyết ly hôn, thường thì các bên đã thỏa thuận mức cấp dưỡng theo khả năng hoặc tòa án đã xác định mức cấp dưỡng đối với con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Việc cấp dưỡng của cha hoặc mẹ nhằm cung cấp những thứ cần thiết như tiền bạc, tài sản để đáp ứng nhu cầu vất chất thiết yếu, sự phát triển bình thường của con cái.
Tuy nhiên, do cuộc sống ngày càng thay đổi, nhu cầu về cuộc sống các con ngày càng nâng cao, tính hình giá cả lạm phát leo thang mức cấp dưỡng đã thỏa thuận hoặc được tòa án ấn định không thể đáp ứng nhu cầu phát triển bình thường của đứa trẻ. Vậy làm thế nào để thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn cũng là một vấn đề lớn đặt ra đối với cha hoặc mẹ đang trực tiếp nuôi dưỡng đứa trẻ.
Trong trường hợp muốn thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn, người đang trực tiếp nuôi con có thể thực hiện theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp có thể thay đổi khi có lý do chính đáng, việc thay đổi này có thể do thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì các bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
Do đó, khi muốn thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn, cha, mẹ đang trực tiếp nuôi dạy con có thể đề nghị với người còn lại thay đổi mức cấp dưỡng cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ cũng như con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con để còn đảm bảo sự phát triển. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được mức cấp dưỡng thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý...
Trong trường hợp không thể thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con bằng việc thỏa thuận, Người yêu cầu có thể gửi hồ sơ cho Tòa án giải quyết. Để thực hiện thủ tục, cần chuẩn bị hồ sơ như sau:
- Đơn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng;
- Bản sao bản án hoặc quyết định của tòa án về việc ly hôn;
- Bản sao hộ khẩu hoặc CMND của người yêu cầu;
- Các giấy tờ chứng minh về điều kiện cấp dưỡng của thay đổi: Giấy tờ chứng minh tiền sinh hoạt phí, học phí của con, giấy tờ chứng minh thu nhập của bản thân.
Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ, Tòa án sẽ giải quyết theo trình tự quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư về vấn đề thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con được gửi tới Công ty tư vấn luật DFC. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ qua Email: luatsudfc@gmail.com hoặc gọi điện tới Tổng đài chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình 1900.6512 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.
LS. Lê Minh Công